Đi đến nội dung

Hồ lửa là gì? Có giống với âm phủ hoặc Ghê-hen-na không?

Hồ lửa là gì? Có giống với âm phủ hoặc Ghê-hen-na không?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Hồ lửa tượng trưng cho sự hủy diệt vĩnh viễn. Hồ lửa giống với Ghê-hen-na, nhưng khác với âm phủ​—mồ mả chung của nhân loại.

Không phải hồ theo nghĩa đen

 Năm câu Kinh Thánh đề cập đến “hồ lửa” cho thấy đây không phải là hồ theo nghĩa đen nhưng có ý nghĩa tượng trưng (Khải huyền 19:20; 20:10, 14, 15; 21:8). Những đối tượng sau sẽ bị quăng vào hồ lửa:

Tượng trưng cho sự hủy diệt vĩnh viễn

 Kinh Thánh nói hồ lửa “tượng trưng cho sự chết thứ hai” (Khải huyền 20:14; 21:8). Sự chết thứ nhất được đề cập trong Kinh Thánh là hậu quả của tội lỗi A-đam. Những người chịu sự chết thứ nhất có thể được sống lại và Đức Chúa Trời sẽ loại trừ vĩnh viễn sự chết này.​—1 Cô-rinh-tô 15:21, 22, 26.

Không có cơ hội được thoát khỏi hồ lửa theo nghĩa bóng

 Hồ lửa tượng trưng cho sự chết thứ hai. Dù sự chết thứ hai cũng tượng trưng cho tình trạng hoàn toàn ngưng hoạt động, nhưng điều khác biệt là Kinh Thánh không hề nhắc đến sự sống lại sau sự chết thứ hai. Ví dụ, Kinh Thánh nói rằng Chúa Giê-su có “chìa khóa của sự chết và của mồ mả”, điều này có nghĩa ngài có quyền giải thoát người ta khỏi sự chết do tội lỗi A-đam gây ra (Khải huyền 1:18; 20:13). Tuy nhiên, không một ai, ngay cả Chúa Giê-su, có chìa khóa của hồ lửa. Hồ này tượng trưng cho sự trừng phạt đời đời, đó là bị hủy diệt vĩnh viễn.​—2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9.

Giống với Ghê-hen-na, hay trũng Hi-nôm

 Ghê-hen-na (tiếng Hy Lạp là geʹen·na) được nhắc đến 12 lần trong Kinh Thánh. Giống như hồ lửa, Ghê-hen-na cũng tượng trưng cho sự hủy diệt vĩnh viễn. Dù một số bản Kinh Thánh dịch từ này là “âm phủ”, nhưng Ghê-hen-na khác với âm phủ (trong tiếng Hê-bơ-rơ là sheʼohlʹ, tiếng Hy Lạp là haiʹdes).

Trũng Hi-nôm

 Từ “Ghê-hen-na” có nghĩa đen là “trũng Hi-nôm”, một trũng bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Vào thời Kinh Thánh, cư dân của thành dùng trũng này làm chỗ đổ rác. Họ giữ cho lửa cháy liên tục để thiêu hủy rác thải; những thứ mà lửa không lan tới thì sẽ bị dòi bọ phân hủy.

 Chúa Giê-su dùng Ghê-hen-na làm hình ảnh tượng trưng cho sự hủy diệt vĩnh viễn (Ma-thi-ơ 23:33). Ngài nói rằng trong Ghê-hen-na “dòi bọ không chết và lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:47, 48). Thật ra, ngài đang ám chỉ tình trạng của trũng Hi-nôm cũng như liên kết với lời tiên tri nơi Ê-sai 66:24: “Khi dân-sự ra ngoài, sẽ thấy thây của những người đã bội-nghịch cùng ta; vì sâu chúng nó chẳng hề chết, lửa chúng nó chẳng hề tắt”. Minh họa của Chúa Giê-su không miêu tả sự hành hạ nhưng sự hủy diệt hoàn toàn. Sâu và lửa thiêu hủy xác chết chứ không phải người sống.

 Không chỗ nào trong Kinh Thánh cho thấy có cơ hội ra khỏi Ghê-hen-na. “Hồ lửa” và “lửa Ghê-hen-na” đều tượng trưng cho sự hủy diệt vĩnh viễn.​—Khải huyền 20:14, 15; 21:8; Ma-thi-ơ 18:9.

“Bị hành hạ ngày đêm cho đến đời đời” theo nghĩa nào?

 Nếu hồ lửa tượng trưng cho sự hủy diệt, tại sao Kinh Thánh nói rằng Kẻ Quỷ Quyệt, con thú dữ và tiên tri giả “bị hành hạ ngày đêm cho đến đời đời” trong đó? (Khải huyền 20:10). Hãy xem bốn lý do cho thấy sự hành hạ này không được hiểu theo nghĩa đen:

  1.   Nếu Kẻ Quỷ Quyệt bị hành hạ đời đời thì điều đó có nghĩa hắn được sống mãi. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rằng hắn sẽ bị diệt trừ, không còn hiện hữu nữa.​—Hê-bơ-rơ 2:14.

  2.   Sự sống vĩnh cửu là món quà từ Đức Chúa Trời, không phải sự trừng phạt.​—Rô-ma 6:23.

  3.   Con thú dữ và tiên tri giả là những hình ảnh tượng trưng, không thể cảm nhận sự hành hạ theo nghĩa đen.

  4.   Văn cảnh của câu Kinh Thánh cho thấy sự hành hạ mà Kẻ Quỷ Quyệt phải chịu là bị giam cầm hay hủy diệt đời đời.

 Từ được dịch là “hành hạ” trong Kinh Thánh cũng có thể có nghĩa là “tình trạng giam cầm”. Chẳng hạn, từ Hy Lạp cho từ “người hành hạ” được dùng nơi Ma-thi-ơ 18:34 được dịch là “kẻ cai ngục” trong nhiều bản Kinh Thánh, điều này cho thấy sự liên kết giữa hai từ “hành hạ” và “giam cầm”. Tương tự, hai lời tường thuật về cùng một sự việc nơi Ma-thi-ơ 8:29 và Lu-ca 8:30, 31 liên kết từ “hành hạ” với “vực sâu”, nơi tượng trưng cho tình trạng hoàn toàn ngưng hoạt động hay chết (Rô-ma 10:7; Khải huyền 20:1, 3). Thực tế là nhiều lần sách Khải huyền dùng từ “hành hạ” theo nghĩa tượng trưng.​—Khải huyền 9:5; 11:10; 18:7, 10.