Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHỎNG VẤN | YAN-DER HSUUW

Một nhà nghiên cứu phôi thai giải thích niềm tin của mình

Một nhà nghiên cứu phôi thai giải thích niềm tin của mình

Giáo sư Yan-Der Hsuuw là người dẫn đầu công việc nghiên cứu phôi thai tại trường Đại học Quốc gia Khoa học và Công nghệ Bình Đông, Đài Loan. Trước đây ông tin thuyết tiến hóa, nhưng sau khi trở thành nhà nghiên cứu khoa học, ông đã thay đổi quan điểm. Ông cho Tỉnh Thức! biết lý do.

Xin anh cho biết đôi chút về bản thân.

Tôi sinh năm 1966 và lớn lên ở Đài Loan. Đạo của cha mẹ tôi dựa trên Lão giáo lẫn Phật giáo. Dù thờ ông bà tổ tiên và cầu nguyện với hình tượng, chúng tôi chưa bao giờ tin rằng có một Đấng Tạo Hóa.

Tại sao anh học ngành sinh học?

Khi còn nhỏ, tôi thích nuôi thú vật nên muốn biết cách làm sao để giúp con người và thú vật bớt cảnh khổ. Trong một thời gian, tôi học ngành thú y, và sau đó học ngành phôi thai học, một lĩnh vực mà tôi hy vọng sẽ giúp mình hiểu rõ hơn về nguồn gốc sự sống.

Lúc đó anh tin thuyết tiến hóa. Anh có thể cho biết tại sao không?

Các giáo sư đại học dạy về thuyết tiến hóa, họ khẳng định rằng có bằng chứng xác nhận điều đó. Tôi đã tin.

Tại sao anh bắt đầu đọc Kinh Thánh?

Có hai lý do. Thứ nhất tôi tin rằng trong số các vị thần mà người ta thờ, hẳn phải có một vị thần cao nhất. Nhưng là ai? Thứ hai, tôi biết rằng Kinh Thánh là cuốn sách được đánh giá cao nên tôi tham gia các lớp học Kinh Thánh.

Khi bắt đầu học tại trường Đại học Công giáo Leuven ở Bỉ vào năm 1992, tôi đến một nhà thờ Công giáo và xin linh mục giúp tôi hiểu Kinh Thánh nhưng ông đã khước từ.

Vậy làm sao nhu cầu tâm linh của anh được thỏa mãn?

Hai năm sau, khi đang nghiên cứu khoa học ở Bỉ, tôi đã gặp một phụ nữ Ba Lan tên Ruth. Chị là Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị học tiếng Hoa để giúp cho các sinh viên muốn tìm hiểu về Đức Chúa Trời. Tôi đã cầu xin Đức Chúa Trời cho tôi biết về ngài nên tôi rất vui khi gặp chị ấy.

Chị ấy cho tôi thấy rằng dù không phải là sách khoa học nhưng Kinh Thánh lại hòa hợp với khoa học. Ví dụ, một người viết Kinh Thánh là Đa-vít đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Mắt ngài đã thấy khi con mới là phôi thai; sách ngài có ghi hết thảy các phần nó” (Thi-thiên 139:16, NW). Dù Đa-vít đang dùng ngôn ngữ thơ ca, nhưng theo nguyên tắc thì ông rất đúng! Ngay cả trước khi các bộ phận cơ thể được hình thành thì trong phôi thai đã có tất cả những chỉ dẫn cho sự phát triển của các bộ phận ấy. Kinh Thánh chính xác đến nỗi tôi tin đây là Lời của Đức Chúa Trời. Tôi cũng bắt đầu nhận ra rằng chỉ có duy nhất một Đức Chúa Trời, đó là Đức Giê-hô-va. 1

Điều gì khiến anh tin chắc rằng Đức Chúa Trời tạo ra sự sống?

Mục tiêu của việc nghiên cứu khoa học là để tìm ra sự thật chứ không phải ủng hộ những định kiến từ xưa đến nay. Việc nghiên cứu sự phát triển của phôi thai đã thay đổi quan điểm của tôi. Tôi đi đến kết luận rằng sự sống được sáng tạo. Để minh họa điều này, hãy xem các dây chuyền sản xuất. Người kỹ sư thiết kế sao cho những linh kiện được lắp ráp ăn khớp với nhau theo đúng trình tự và đúng cách. Phôi thai cũng phát triển như thế nhưng phức tạp hơn rất nhiều.

Có phải tất cả quá trình này chỉ bắt đầu với một tế bào được thụ tinh không?

Đúng vậy. Rồi tế bào cực nhỏ ấy phân chia, bắt đầu quá trình phân bào. Có khi cứ mỗi 12 đến 24 giờ, số lượng tế bào lại nhân đôi lên. Trong giai đoạn đầu của quá trình này, các tế bào gốc được hình thành nên. 2 Các tế bào gốc có thể sản sinh ra khoảng 200 loại tế bào khác nhau như tế bào máu, tế bào xương và tế bào thần kinh v.v. Các loại tế bào này là cần thiết để cơ thể em bé được hình thành hoàn chỉnh.

Việc nghiên cứu sự phát triển của phôi thai đưa tôi đến kết luận rằng sự sống được sáng tạo

Những tế bào thích hợp phải được sản sinh theo đúng trình tự và vị trí. Trước tiên, các tế bào tập hợp thành mô, rồi các mô sẽ tập hợp thành bộ phận và chi. Có kỹ sư nào lại không muốn trở thành tác giả của những văn bản chỉ dẫn cho một tiến trình như thế? Nhưng các chỉ dẫn cho sự phát triển phôi thai được viết trong ADN một cách đáng kinh ngạc. Khi xem xét mọi điều diệu kỳ này, tôi tin chắc rằng sự sống là do Đức Chúa Trời thiết kế.

Tại sao anh trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va?

Đơn giản là vì tình yêu thương. Chúa Giê-su nói: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:35). Tình yêu thương đó không thiên vị, không bị ảnh hưởng bởi quốc gia, văn hóa hoặc màu da. Tôi vừa chứng kiến vừa cảm nhận tình yêu thương ấy khi bắt đầu kết hợp với các Nhân Chứng.

^ 2. Vì lương tâm của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, Giáo sư Yan-Der Hsuuw không còn nghiên cứu tế bào gốc của phôi thai người nữa.