Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Chúa Giê-su—Nhân vật có thật không?

Chúa Giê-su—Nhân vật có thật không?

Chúa Giê-su không giàu sang cũng không quyền thế, ngay cả một căn nhà cũng không có. Tuy nhiên, sự dạy dỗ của ngài tác động đến hàng triệu người. Ngài có phải là nhân vật có thật không? Những người có thẩm quyền vào thời xưa và thời nay nói gì về ngài?

  • Michael Grant, một sử gia kiêm chuyên gia nghiên cứu về nền văn minh cổ đại, cho biết: “Khi xem xét các tài liệu cổ xưa, chúng ta đều công nhận những nhân vật ngoại giáo được đề cập trong các tài liệu này là có thật. Nếu cũng xem xét Kinh Thánh phần Tân ước theo cách như thế thì chúng ta không thể phủ nhận sự tồn tại của Chúa Giê-su”.

  • Rudolf Bultmann, một giáo sư nghiên cứu Tân ước, cho biết: “Các mối nghi ngờ về sự hiện hữu của Chúa Giê-su là vô căn cứ và không đáng phải tranh luận. Không người sáng suốt nào có thể hồ nghi về việc Chúa Giê-su đã sáng lập một nhóm người có chung quan điểm và mục tiêu. Ngay thời ban đầu, các thành viên đầu tiên của nhóm này đến từ cộng đồng [tín đồ đạo Đấng Ki-tô] người Palestine cổ xưa nhất”.

  • Will Durant, một nhà sử học cũng là nhà văn và triết gia, đã viết: “Một vài người tầm thường [những người viết sách Phúc âm] trong cùng một thế hệ mà bịa đặt được một nhân vật có quyền năng và thu hút nhiều người đến thế, đặt ra một đạo lý cao siêu đến thế và thấy trước tình huynh đệ của con người đầy khích lệ đến thế, thì hẳn là một phép lạ khó tin hơn bất cứ phép lạ nào được ghi lại trong các sách Phúc âm”.

  • Albert Einstein, nhà vật lý học người Đức gốc Do Thái, xác nhận: “Dù là người gốc Do Thái nhưng tôi bị cuốn hút bởi nhân vật người Na-xa-rét này”. Khi được hỏi liệu ông có xem Chúa Giê-su là nhân vật có thật trong lịch sử không, ông cho biết: “Tôi không hề nghi ngờ! Không ai đọc các sách Phúc âm mà không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giê-su. Nhân cách của ngài sống động trong từng từ từng chữ. Một truyện thần thoại không thể nào sinh động đến thế”.

    “Không ai đọc các sách Phúc âm mà không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giê-su”.​—Albert Einstein

LỊCH SỬ CHO BIẾT GÌ?

Lời tường thuật đầy đủ nhất về cuộc đời và công việc truyền giáo của Chúa Giê-su được ghi lại trong các sách Phúc âm của Kinh Thánh. Tên các sách này được đặt theo tên của người viết: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. Ngoài ra, một số nguồn tài liệu không thuộc Ki-tô giáo cũng nhắc đến tên Chúa Giê-su.

  • TACITUS

    (khoảng 56-120 công nguyên, viết tắt là CN) Tacitus được xem là một trong những sử gia vĩ đại nhất của La Mã cổ xưa. Sách Annals của ông nói về đế quốc La Mã từ năm 14 CN đến 68 CN. (Chúa Giê-su qua đời năm 33 CN). Tacitus ghi lại rằng khi Rô-ma bị một cơn hỏa hoạn lớn tàn phá vào năm 64 CN, hoàng đế Nero bị cáo buộc là người gây ra sự việc này. Nhưng để ngăn chặn tin đồn, Nero đã đổ lỗi cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Tacitus nói tiếp: “Đấng Ki-tô, từ người mà có danh xưng ấy [tín đồ đạo Đấng Ki-tô], đã bị quan tổng trấn Bôn-xơ Phi-lát hành quyết dưới triều Ti-be-rơ”.—Tác phẩm Annals, XV, 44.

  • SUETONIUS

    (khoảng 69–sau 122 CN) Trong sách Cuộc đời của các Sê-sa (Lives of the Caesars), vị sử gia La Mã này đã ghi lại các sự kiện xảy ra dưới triều đại của 11 vị hoàng đế La Mã đầu tiên. Phần viết về hoàng đế Cơ-lo-đi-ô có nhắc đến tình trạng hỗn loạn trong vòng những người Do Thái tại Rô-ma. Suetonius cho rằng tình trạng này bắt nguồn từ các cuộc tranh cãi liên quan đến Chúa Giê-su (Công vụ 18:2). Ông viết: “Người Do Thái liên tục gây lộn xộn vì bị Christus [Đấng Ki-tô] xúi giục. Thế nên, ông ấy [Cơ-lo-đi-ô] trục xuất họ khỏi Rô-ma” (The Deified Claudius, XXV, 4). Dù sai lầm khi buộc tội Chúa Giê-su nhưng Suetonius đã không hề nghi ngờ sự tồn tại của ngài.

  • PLINY

    (khoảng 61-113 CN) Ông là nhà văn La Mã và cũng là quan tổng đốc tỉnh Bi-thi-ni-a (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Ông đã viết cho hoàng đế Trajan về việc xử lý tín đồ đạo Đấng Ki-tô tại tỉnh này. Pliny nói rằng ông đã cố ép họ bỏ đạo và xử tử những ai từ chối làm thế. Ông giải thích: “Những ai... lặp lại theo tôi lời cầu khẩn các thần [ngoại giáo] và chứng tỏ lòng thành khẩn qua việc dâng rượu cũng như các loại thuốc thơm... và cuối cùng là những ai phỉ báng Ki-tô..., thì được tôi tha tội”.—Sách Pliny—Letters, Tập X, XCVI.

  • FLAVIUS JOSEPHUS

    (khoảng 37-100 CN) Thầy tế lễ và nhà sử học người Do Thái này nói rằng thầy tế lễ thượng phẩm An-ne “triệu tập các quan án của Tòa Công Luận [tòa án Do Thái tối cao] và xét xử một người tên Gia-cơ, em của Chúa Giê-su cũng được gọi là Đấng Ki-tô”.—Sách Jewish Antiquities, XX, 200.

  • KINH TALMUD

    Đây là tuyển tập các sách ráp-bi của người Do Thái từ thế kỷ thứ ba đến thứ sáu CN. Các sách này cho thấy ngay cả kẻ thù của Chúa Giê-su cũng thừa nhận sự tồn tại của ngài. Một đoạn viết rằng “vào Lễ Vượt Qua đó, Yeshu [Chúa Giê-su] người Na-xa-rét đã bị treo lên”. Đây là một sự kiện đã xảy ra trong lịch sử (Kinh Talmud của Ba-by-lôn, Tòa Công Luận 43a, Munich Codex; xem Giăng 19:14-16). Đoạn khác nói thêm: “Mong rằng con cháu và các học trò của chúng ta, không có ai tự sỉ nhục chính mình như gã Na-xa-rét đó”, một tên gọi ám chỉ Chúa Giê-su.—Kinh Talmud của Ba-by-lôn, Berakoth 17b, chú thích, Munich Codex; xem Lu-ca 18:37.

BẰNG CHỨNG TỪ KINH THÁNH

Các sách Phúc âm tường thuật đầy đủ về cuộc đời và công việc truyền giáo của Chúa Giê-su, gồm các chi tiết về con người, thời gian và nơi chốn. Đó là những đặc điểm của một tài liệu chính xác về lịch sử. Chẳng hạn, khi xem Lu-ca 3:1, 2, chúng ta có thể xác định thời điểm chính xác khi Giăng Báp-tít, người dọn đường cho Chúa Giê-su, bắt đầu nhiệm vụ của mình.

“Cả Kinh Thánh được viết bởi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời”.​—2 Ti-mô-thê 3:16

Lu-ca viết: “Năm thứ mười lăm triều đại Sê-sa Ti-be-rơ, khi Bôn-xơ Phi-lát làm quan tổng đốc xứ Giu-đa, Hê-rốt là vua chư hầu vùng Ga-li-lê, Phi-líp anh người làm vua chư hầu xứ Y-tu-rê và Tra-cô-nít, còn Ly-sa-ni-a làm vua chư hầu xứ A-by-len vào thời Cai-pha và thầy tế lễ thượng phẩm An-ne, thì Giăng con trai của Xa-cha-ri nhận được một thông điệp từ Đức Chúa Trời trong hoang mạc”. Nhờ danh sách chi tiết và chính xác này, chúng ta có thể xác định rằng Giăng “nhận được một thông điệp từ Đức Chúa Trời” vào năm 29 CN.

Bảy nhân vật được Lu-ca nêu tên trong phần này đều được các sử gia biết đến. Tuy nhiên, có một thời gian, giới phê bình nghi ngờ sự tồn tại của Bôn-xơ Phi-lát và Ly-sa-ni-a. Nhưng họ đã kết luận quá vội vàng. Người ta tìm thấy những lời khắc có tên của hai quan chức ấy. Điều này xác nhận tính chính xác của những gì Lu-ca viết. *

TẠI SAO ĐIỀU NÀY QUAN TRỌNG?

Chúa Giê-su dạy người ta về Nước Đức Chúa Trời, một chính phủ toàn cầu

Các câu hỏi về sự tồn tại của Chúa Giê-su rất quan trọng vì sự dạy dỗ của ngài có ảnh hưởng sâu sắc. Chẳng hạn, Chúa Giê-su dạy người ta cách để có đời sống hạnh phúc và thỏa nguyện. * Ngài cũng đưa ra lời hứa là trong tương lai, nhân loại sẽ có cuộc sống hòa bình, an ninh và hợp nhất dưới sự cai trị của một chính phủ duy nhất gọi là “Nước Đức Chúa Trời”.—Lu-ca 4:43.

Tên gọi “Nước Đức Chúa Trời” thật phù hợp vì chính phủ toàn cầu này sẽ biểu trưng cho quyền tối thượng của Đức Chúa Trời trên khắp đất (Khải huyền 11:15). Chúa Giê-su đã nhấn mạnh điều này trong lời cầu nguyện mẫu: “Lạy Cha chúng con ở trên trời... Xin Nước Cha được đến, ý Cha được thực hiện ở... dưới đất” (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Sự cai trị của Nước Trời sẽ mang lại điều gì cho nhân loại? Hãy xem các ân phước sau:

  • Chiến tranh và nội chiến sẽ chấm dứt.Thi-thiên 46:8-11.

  • Những điều ác, như tham lam và tham nhũng, sẽ vĩnh viễn biến mất cùng những người bất kính với Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 37:10, 11.

  • Công dân Nước Trời sẽ vui thích làm các công việc ý nghĩa và hữu ích.​Ê-sai 65:21, 22.

  • Trái đất sẽ được phục hồi hoàn toàn, không còn tình trạng tồi tệ như hiện nay, và sẽ có dư dật ngũ cốc.—Thi-thiên 72:16; Ê-sai 11:9.

Một số người có thể nghĩ rằng những lời hứa trên thật viển vông. Nhưng chẳng phải việc đặt niềm tin vào những nỗ lực của con người mới là viển vông hay sao? Hãy suy nghĩ: Dù nhân loại đã đạt được những thành tựu to lớn về giáo dục, khoa học và kỹ thuật, hàng triệu người ngày nay vẫn cảm thấy bất an và lo lắng về tương lai. Nhiều nơi trên thế giới xảy ra sự đàn áp trong tôn giáo, kinh tế và chính trị cũng như sự tham lam và tham nhũng. Thực tế cho thấy lối cai trị của con người đã thất bại!—Truyền-đạo 8:9.

Quả thật, câu hỏi về sự tồn tại của Chúa Giê-su thật đáng cho chúng ta xem xét. * Nơi 2 Cô-rinh-tô 1:19, 20 cho biết: “Dù các lời hứa của Đức Chúa Trời nhiều bao nhiêu thì tất cả đều trở thành ‘Có’ qua [Đấng Ki-tô]”.

^ đ. 23 Người ta tìm thấy lời khắc có tên của “vua chư hầu” Ly-sa-ni-a (Lu-ca 3:1). Ông cai trị xứ A-by-len tại đúng thời điểm Lu-ca đề cập.

^ đ. 25 Một ví dụ về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su nằm trong Ma-thi-ơ chương 5 đến 7, thường được gọi là Bài giảng trên núi.

^ đ. 32 Để biết thêm thông tin về Chúa Giê-su và những dạy dỗ của ngài, hãy truy cập www.mt711.com/vi và vào mục KINH THÁNH GIÚP BẠN > KINH THÁNH GIẢI ĐÁP.