Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cầu nguyện theo cách nào để được nhậm?

Cầu nguyện theo cách nào để được nhậm?

Giê-hô-va Đức Chúa Trời là “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện” (Thi thiên 65:2). Chúng ta có thể cầu nguyện với ngài ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào, dù lớn tiếng hay nói thầm. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta gọi ngài là “Cha”, và ngài thật sự là Cha tốt nhất của chúng ta (Ma-thi-ơ 6:9). Vì yêu thương, Đức Giê-hô-va dạy chúng ta cách cầu nguyện để được nhậm.

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NHÂN DANH CHÚA GIÊ-SU

“Nếu anh em nhân danh tôi mà xin Cha bất cứ điều gì thì ngài sẽ ban cho”.—Giăng 16:23.

Những lời trên của Chúa Giê-su cho thấy rõ Đức Giê-hô-va muốn chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su, chứ không phải qua trung gian hình tượng, các thánh, thiên thần hay ông bà tổ tiên. Nhân danh Chúa Giê-su có nghĩa là nhớ đến ngài và nói rằng mình dâng lời cầu nguyện qua danh ngài. Khi làm thế, chúng ta công nhận những gì Chúa Giê-su đã làm cho mình. Chúa Giê-su nói: “Không ai đến được với Cha nếu không qua tôi”.—Giăng 14:6.

CẦU NGUYỆN TỪ LÒNG

“Tại trước mặt ngài, hãy trút đổ lòng mình ra”.—Thi thiên 62:8.

Khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, chúng ta nên nói với ngài giống như trò chuyện với người cha yêu thương. Thay vì đọc từ cuốn kinh hay lặp lại những lời thuộc lòng, chúng ta nên nói với ngài từ lòng với thái độ tôn kính.

CẦU NGUYỆN PHÙ HỢP VỚI Ý MUỐN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

“Nếu chúng ta xin bất cứ điều gì phù hợp với ý muốn ngài thì ngài nghe chúng ta”.—1 Giăng 5:14.

Qua Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va cho biết những gì ngài sẽ làm cho chúng ta và những gì ngài muốn chúng ta làm cho ngài. Nếu muốn lời cầu nguyện được chấp nhận, chúng ta cần cầu xin “phù hợp với ý muốn ngài”. Để làm thế, chúng ta cần biết rõ về ngài qua việc tìm hiểu Kinh Thánh. Nhờ vậy, lời cầu nguyện của mình sẽ đẹp lòng ngài.

CHÚNG TA CÓ THỂ CẦU NGUYỆN VỀ ĐIỀU GÌ?

Cầu nguyện về các nhu cầu. Chúng ta có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời về các nhu cầu hằng ngày như thức ăn, áo mặc và chỗ ở. Chúng ta cũng có thể cầu xin sự khôn ngoan để quyết định đúng và sức mạnh để chịu đựng thử thách. Chúng ta có thể cầu xin Đức Chúa Trời ban cho đức tin, cũng như tha thứ và trợ giúp mình.—Lu-ca 11:3, 4, 13; Gia-cơ 1:5, 17.

Cầu nguyện cho người khác. Cha mẹ vui khi thấy các con yêu thương nhau. Đức Giê-hô-va cũng muốn các con trên đất của ngài quan tâm đến nhau. Thật thích hợp khi chúng ta cầu nguyện cho người khác như người hôn phối, con cái và bạn bè. Môn đồ Gia-cơ khuyến khích chúng ta “cầu nguyện cho nhau”.—Gia-cơ 5:16.

Cầu nguyện để cảm tạ. Kinh Thánh cho biết về Đấng Tạo Hóa của chúng ta: “Qua những việc tốt lành, [ngài] ban cho anh em mưa từ trời, mùa màng bội thu, thực phẩm dồi dào và khiến lòng anh em tràn đầy vui mừng” (Công vụ 14:17). Khi nghĩ về tất cả những gì Đức Chúa Trời làm cho mình, chúng ta được thúc đẩy để cảm tạ ngài qua lời cầu nguyện. Dĩ nhiên, chúng ta cũng nên tỏ lòng biết ơn qua việc vâng lời ngài.—Cô-lô-se 3:15.

KIÊN NHẪN VÀ BỀN LÒNG CẦU NGUYỆN

Đôi khi, có lẽ chúng ta cảm thấy nản lòng vì lời cầu nguyện chân thành của mình không được nhậm ngay lập tức. Chúng ta có nên cho rằng Đức Chúa Trời không quan tâm đến mình? Chắc chắn là không! Những kinh nghiệm sau đây cho thấy có lẽ chúng ta chỉ cần tiếp tục cầu nguyện.

Anh Steve, được đề cập ở bài mở đầu, đã nói: “Nếu không nhờ việc cầu nguyện, tôi đã buông xuôi từ lâu”. Điều gì đã giúp anh thay đổi quan điểm? Anh bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh, rồi biết được anh cần cầu nguyện và kiên trì làm thế. Anh Steve chia sẻ: “Tôi cầu nguyện cảm tạ Đức Chúa Trời về sự hỗ trợ yêu thương mà mình nhận được từ bạn bè. Chưa bao giờ tôi có đời sống hạnh phúc như bây giờ”.

Nói sao về chị Jenny, người cảm thấy không xứng đáng được Chúa nghe? Chị cho biết: “Vào lúc tuyệt vọng nhất, tôi nài xin Đức Chúa Trời giúp tôi hiểu tại sao mình cảm thấy vô dụng đến thế”. Chị nhận được lợi ích nào? Chị chia sẻ: “Cầu nguyện đã giúp tôi có cái nhìn thăng bằng hơn và hiểu rằng cho dù lòng lên án mình thì Đức Chúa Trời không làm thế. Cầu nguyện cũng giúp tôi không bỏ cuộc”. Kết quả là gì? Chị kể: “Nhờ cầu nguyện, tôi xem Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, là Cha và Bạn thật, là đấng đầy lòng quan tâm và yêu thương, luôn ở bên cạnh giúp đỡ nếu tôi tiếp tục làm theo ý muốn ngài”.

“Tôi nhận ra rằng Gerard là ân phước lớn nhất và chính là bằng chứng cho thấy lời cầu nguyện của mình được nhậm”

Cũng hãy xem trường hợp của chị Isabel. Khi chị mang thai, bác sĩ nói rằng con chị sẽ bị tật nguyền. Chị thấy như sét đánh ngang tai. Một số người còn khuyên chị phá thai. Chị kể: “Tôi đau khổ đến mức cảm thấy mình không thể sống tiếp”. Nhưng chị đã làm gì? Chị cho biết: “Tôi cầu nguyện, rồi lại cầu nguyện để xin Đức Chúa Trời giúp đỡ”. Cuối cùng, chị sinh một con trai, tên là Gerard, và em bị tật nguyền. Vậy chị Isabel có tin là Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của mình không? Có. Chị nói: “Khi tôi thấy con mình, nay đã 14 tuổi, vẫn sống vui vẻ cho dù bị tật nguyền, tôi nhận ra rằng Gerard là ân phước lớn nhất và chính là bằng chứng cho thấy lời cầu nguyện của mình được nhậm”.

Những lời tâm sự từ đáy lòng ấy làm chúng ta nhớ đến ý tưởng sau trong Kinh Thánh: “Đức Giê-hô-va ôi, ngài sẽ nghe lời cầu khẩn của người khiêm hòa. Ngài sẽ làm họ vững lòng và lắng tai nghe” (Thi thiên 10:17). Quả là những lý do tuyệt vời để bền lòng cầu nguyện!

Kinh Thánh ghi lại nhiều lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, trong đó nổi tiếng nhất là lời cầu nguyện mà ngài dạy các môn đồ. Chúng ta học được gì từ lời cầu nguyện ấy?