Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phụng sự Đức Giê-hô-va mà không bị phân tâm

Phụng sự Đức Giê-hô-va mà không bị phân tâm

“Ma-ri... lắng nghe [Chúa Giê-su] giảng. Còn Ma-thê thì bận lo nhiều việc”.—LU 10:39, 40.

BÀI HÁT: 94, 134

1, 2. Tại sao Chúa Giê-su yêu thương Ma-thê, nhưng điều gì cho thấy bà cũng là người bất toàn?

Khi nghĩ đến nhân vật trong Kinh Thánh là Ma-thê, chúng ta hình dung bà là người như thế nào? Trong số các phụ nữ được nhắc đến trong sách Phúc âm, chỉ Ma-thê được Kinh Thánh nêu tên cụ thể là người được “Chúa Giê-su yêu thương”. Dĩ nhiên, bà không phải là phụ nữ duy nhất được Chúa Giê-su yêu thương và tôn trọng. Chẳng hạn, em của Ma-thê là Ma-ri, cũng là bạn thân của Chúa Giê-su. Ngài cũng yêu mến mẹ của mình là Ma-ri (Giăng 11:5; 19:25-27). Vậy tại sao Kinh Thánh lại nêu tên cụ thể của Ma-thê và nói rằng Chúa Giê-su yêu thương bà?

2 Chúa Giê-su yêu thương Ma-thê không chỉ vì bà siêng năng và có lòng hiếu khách, nhưng trên hết vì bà là người thiêng liêng tính. Bà thật sự tin những điều Chúa Giê-su dạy. Ma-thê hoàn toàn tin chắc rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si được hứa từ trước (Giăng 11:21-27). Dù vậy giống như tất cả chúng ta, bà cũng là người bất toàn. Vào một dịp khi Chúa Giê-su thăm gia đình bà, Ma-thê đã mạo muội bảo Chúa Giê-su nên làm gì để chỉnh sửa một tình huống mà bà nghĩ là sai. Ma-thê nói: “Thưa Chúa, Chúa không thấy em tôi để mặc tôi lo hết mọi việc sao? Xin bảo nó phụ giúp tôi”. (Đọc Lu-ca 10:38-42). Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ lời tường thuật này?

MA-THÊ ĐÃ BỊ PHÂN TÂM

3, 4. Ma-ri đã làm gì cho thấy bà chọn “phần tốt”, và hẳn Ma-thê đã khắc ghi vào lòng bài học nào? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Để đáp lại lòng hiếu khách của Ma-thê và Ma-ri, Chúa Giê-su đã dành thời gian dạy họ nhiều điều quý báu về sự thật. Ma-ri đã nắm lấy cơ hội để tiếp thu sự hiểu biết từ Thầy Vĩ Đại; bà “ngồi nơi chân Chúa Giê-su và lắng nghe ngài giảng”. Ma-thê cũng có thể chọn làm vậy. Hẳn Chúa Giê-su sẽ khen Ma-thê vì bà hoàn toàn chú tâm vào ngài.

4 Tuy nhiên, Ma-thê bận rộn chuẩn bị một bữa ăn đặc biệt và làm các việc vặt khác để tiếp đón Chúa Giê-su một cách chu đáo. Nhưng tất cả những việc này đã khiến bà lo lắng không cần thiết, và bà trở nên bực bội với Ma-ri. Vì nhận thấy Ma-thê đang cố làm quá nhiều điều nên Chúa Giê-su nhân từ nói: “Ma-thê, Ma-thê, chị lo lắng nhiều việc quá”. Rồi ngài gợi ý rằng chỉ một món ăn cũng là đủ. Giờ đây, Chúa Giê-su quay sang Ma-ri và cho thấy bà đã không bỏ bê trách nhiệm khi nói: “Còn Ma-ri, cô ấy đã chọn phần tốt, là phần sẽ không bị lấy đi”. Có lẽ Ma-ri sẽ mau quên món ăn mà bà đã dùng vào dịp đặc biệt đó, nhưng bà sẽ nhớ mãi lời khen và thức ăn thiêng liêng bổ ích mà bà nhận được nhờ chú tâm nghe Chúa Giê-su. Hơn 60 năm sau, sứ đồ Giăng viết: ‘Chúa Giê-su yêu thương Ma-thê và em gái của cô’ (Giăng 11:5). Chắc hẳn, những lời được soi dẫn này cho thấy Ma-thê đã khắc ghi vào lòng sự sửa dạy yêu thương của Chúa Giê-su, và cũng cho thấy bà đã cố gắng trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va đến hết cuộc đời.

5. Tại sao ngày nay đặc biệt khó để giữ tập trung vào những điều quan trọng hơn, và điều này đưa đến câu hỏi nào?

5 Chẳng phải ngày nay có nhiều điều khiến chúng ta bị phân tâm hơn so với thời Kinh Thánh sao? “Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại có nhiều phương tiện truyền thông hiện đại như bây giờ, có những máy in với tốc độ cao, tạp chí có nhiều hình ảnh, radio, phim ảnh, ti-vi... Mỗi ngày chúng tung ra vô số điều mới, khiến chúng ta bị phân tâm... Cách đây không lâu, người ta xem thời đại này là ‘Thời đại khai sáng’. Nhưng càng ngày thời đại này càng trở thành ‘Thời đại phân tâm’”. Những lời này được phát biểu trước một nhóm sinh viên ở Hoa Kỳ hơn 60 năm về trước. Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-9-1958 nói: “Càng gần ngày kết liễu của thế gian này thì càng có nhiều điều khiến chúng ta bị phân tâm”. Quả đúng như vậy! Điều này đưa đến một câu hỏi quan trọng: Chúng ta có thể làm gì để tránh bị phân tâm bởi những điều không cần thiết và ngày càng giống với Ma-ri, tiếp tục chú tâm vào những điều thiêng liêng?

DÙNG THẾ GIAN NHƯNG KHÔNG TẬN DỤNG TỐI ĐA

6. Dân Đức Giê-hô-va đã dùng các công nghệ của thế gian như thế nào?

6 Tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời đã dùng các công nghệ của thế gian để đẩy mạnh sự thờ phượng thật. Chẳng hạn, hãy xem một ví dụ là “Kịch ảnh về sự sáng tạo” (Photo-Drama of Creation). Kịch ảnh này là sự kết hợp giữa chiếu hình và phim, có màu sắc và âm thanh. Trước và trong Thế Chiến I, hàng triệu người trên khắp thế giới nhận được sự an ủi khi xem kịch này, trong đó phần cuối miêu tả về một thời kỳ hòa bình sắp đến dưới Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su Ki-tô. Về sau, thông điệp Nước Trời được quảng bá trên đài phát thanh công cộng và hàng triệu người khác trên khắp đất cũng có cơ hội nghe. Ngày nay, công nghệ máy tính và Internet đang được sử dụng một cách hữu hiệu để loan báo tin mừng, giúp cho tin mừng đến với những người sống ở các đảo xa xôi và tận cùng trái đất.

Đừng để những điều không cần thiết cản trở các hoạt động thiêng liêng (Xem đoạn 7)

7. (a) Tại sao tận dụng tối đa thế gian này là điều nguy hiểm? (b) Chúng ta nên đặc biệt thận trọng điều gì? (Xem chú thích).

7 Kinh Thánh cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm khi tận dụng tối đa những gì đến từ thế gian. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:29-31). Một tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể dễ lãng phí quá nhiều thời gian vào những điều mà bản thân chúng không có gì sai, chẳng hạn như đọc sách giải trí, xem ti-vi, đi ngắm cảnh, mua sắm, tìm những đồ điện tử tân tiến nhất hoặc các món hàng đắt tiền hay những sở thích riêng. Việc vào mạng xã hội, nhắn tin, gửi e-mail, thường xuyên lướt mạng xem tin tức và các sự kiện thể thao mới nhất cũng có thể khiến chúng ta mất nhiều thời gian, thậm chí lệ thuộc vào chúng. * (Truyền 3:1, 6). Nếu không giới hạn thời gian dành cho những điều không cần thiết, chúng ta có thể sao lãng hoạt động quan trọng nhất, đó là thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Đọc Ê-phê-sô 5:15-17.

8. Tại sao lời khuyên ‘đừng yêu những gì thuộc về thế gian’ là rất quan trọng?

8 Sa-tan dùng mọi điều trong thế gian để lôi cuốn và khiến chúng ta bị phân tâm. Điều này đúng vào thế kỷ thứ nhất và càng đúng hơn vào thời nay (2 Ti 4:10). Vì vậy, chúng ta cần làm theo lời khuyên: ‘Đừng yêu những gì thuộc về thế gian’. Bằng cách luôn điều chỉnh bản thân để sống phù hợp với lời khuyên đó, chúng ta sẽ tránh bị phân tâm và có thể củng cố “tình yêu thương đối với Cha”. Khi làm thế, chúng ta sẽ dễ làm theo ý muốn Đức Chúa Trời hơn và nhận được ân huệ của ngài mãi mãi.—1 Giăng 2:15-17.

HÃY GIỮ MẮT TẬP TRUNG

9. Chúa Giê-su dạy các môn đồ giữ mắt tập trung vào điều gì, và ngài đã nêu gương như thế nào?

9 Lời khuyên nhân từ của Chúa Giê-su dành cho Ma-thê hoàn toàn phù hợp với sự dạy dỗ và gương mẫu của ngài. Ngài khuyến khích các môn đồ giữ mắt “tập trung” để theo đuổi quyền lợi Nước Trời mà không bị phân tâm. (Đọc Ma-thi-ơ 6:22, 33). Chúa Giê-su không để mình bị nặng gánh bởi của cải vật chất; ngài không có nhà cửa hoặc đất đai.—Lu 9:58; 19:33-35.

10. Chúa Giê-su nêu gương nào vào giai đoạn đầu trong thánh chức?

10 Nhiều điều xảy ra trong thánh chức của Chúa Giê-su có thể khiến ngài bị phân tâm, nhưng ngài không bao giờ để mình mất đi tinh thần tập trung. Vào giai đoạn đầu trong thánh chức, sau khi Chúa Giê-su dạy dỗ đoàn dân đông và làm phép lạ ở Ca-bê-na-um, người ta tha thiết xin ngài ở lại thành của họ. Nhưng Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước lời đề nghị này? Ngài nói: “Tôi phải rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời ở các thành khác nữa, vì tôi được phái đến để làm việc đó” (Lu 4:42-44). Đúng như những gì Chúa Giê-su đã nói, ngài đi bộ rất xa để rao giảng và dạy dỗ. Dù hoàn hảo nhưng ngài cũng có những nhu cầu bình thường của con người, đôi khi ngài cảm thấy mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi vì làm rất nhiều trong việc phụng sự Đức Chúa Trời.—Lu 8:23; Giăng 4:6.

11. Chúa Giê-su đã nói gì với một người có tranh chấp trong gia đình, và ngài đưa ra lời cảnh báo nào?

11 Vào một dịp sau này khi Chúa Giê-su đang dạy các môn đồ cách đối phó với sự chống đối, có một người cắt ngang và nói: “Thưa thầy, xin bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Nhưng Chúa Giê-su không để mình bị lôi cuốn vào sự tranh chấp đó. Ngài đáp: “Này anh kia, ai lập tôi lên để xét xử hoặc phân xử cho hai anh?”. Rồi Chúa Giê-su tiếp tục dạy các môn đồ. Ngài cảnh báo họ về mối nguy hiểm khi để cho ham muốn của cải vật chất khiến mình bị phân tâm trong việc phụng sự Đức Chúa Trời.—Lu 12:13-15.

12, 13. (a) Không lâu trước khi Chúa Giê-su hy sinh mạng sống, điều gì gợi sự chú ý của một số người Hy Lạp cải đạo? (b) Bằng cách nào Chúa Giê-su đã xử lý vấn đề có thể gây phân tâm ấy?

12 Tuần cuối cùng trong cuộc đời làm người của Chúa Giê-su là những ngày rất căng thẳng (Mat 26:38; Giăng 12:27). Ngài có rất nhiều việc phải làm cũng như phải đối mặt với phiên tòa bất công và cái chết đau đớn. Chẳng hạn, hãy xem điều gì xảy ra vào chủ nhật ngày 9 tháng Nisan năm 33 CN. Như đã được tiên tri, Chúa Giê-su cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem, và đoàn dân chào mừng ngài là “vị Vua nhân danh Đức Giê-hô-va mà đến” (Lu 19:38). Ngày hôm sau, Chúa Giê-su vào đền thờ và can đảm đuổi những kẻ buôn bán tham lam đang dùng nhà của Đức Chúa Trời để bóc lột tiền của những người Do Thái đồng hương.—Lu 19:45, 46.

13 Trong đoàn dân ở Giê-ru-sa-lem có một số người Hy Lạp cải đạo chứng kiến những gì Chúa Giê-su đã làm và ấn tượng đến mức xin sứ đồ Phi-líp sắp xếp để họ có thể gặp ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã chú tâm vào những việc quan trọng hơn ở phía trước, đó là làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và hy sinh mạng sống làm giá chuộc. Chắc chắn, ngài không cố gắng để được nhiều người ủng hộ hầu tránh khỏi cái chết dưới tay những kẻ thù của Đức Chúa Trời. Vì vậy, sau khi giải thích rằng mình sắp phải hy sinh, ngài nói với Anh-rê và Phi-líp: “Ai yêu mạng sống mình là hủy hoại nó, còn ai ghét mạng sống mình trong thế gian này sẽ giữ được nó cho sự sống vĩnh cửu”. Thay vì thỏa mãn sự tò mò của những người Hy Lạp đó, ngài khuyến khích việc theo đuổi lối sống hy sinh giống như ngài, và ngài hứa: “Nếu ai muốn phục vụ tôi, Cha sẽ ban phước cho người”. Hẳn Phi-líp đã nói lại thông điệp tích cực này cho những người Hy Lạp cải đạo ấy.—Giăng 12:20-26.

14. Dù Chúa Giê-su đặt công việc rao giảng lên hàng đầu trong đời sống, nhưng điều gì cho thấy ngài có sự thăng bằng?

14 Dù Chúa Giê-su không để mình bị phân tâm mà luôn chú tâm vào mục tiêu chính của ngài là rao giảng tin mừng, nhưng không phải lúc nào ngài cũng nghĩ về công việc. Ngài đã nhận ít nhất một lời mời đi dự tiệc cưới, thậm chí còn góp vui vào dịp đó bằng cách biến nước thành rượu (Giăng 2:2, 6-10). Ngài cũng nhận lời mời ăn tối cùng các bạn thân và những người có triển vọng trở thành môn đồ (Lu 5:29; Giăng 12:2). Quan trọng hơn, Chúa Giê-su thường xuyên dành thời gian cho việc cầu nguyện, suy ngẫm cũng như việc nghỉ ngơi cần thiết.—Mat 14:23; Mác 1:35; 6:31, 32.

“HÃY QUĂNG HẾT MỌI GÁNH NẶNG”

15. Phao-lô đưa ra lời khuyên nào, và ông đã nêu gương ra sao?

15 Sứ đồ Phao-lô, người ví đời sống của một tín đồ đã dâng mình với một cuộc đua đường trường, đã viết: “Chúng ta hãy quăng hết mọi gánh nặng”. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:1). Chắc chắn, Phao-lô làm đúng với những gì mình nói. Ông đã từ bỏ một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong Do Thái giáo mà có thể mang lại cho mình sự giàu sang và danh vọng. Ông chú tâm vào “những điều quan trọng hơn” và dồn hết sức vào việc phụng sự Đức Chúa Trời, đi rao giảng ở nhiều nơi, gồm Sy-ri, Tiểu Á, Ma-xê-đô-ni-a và Giu-đa. Phao-lô viết về triển vọng nhận được sự sống bất tử ở trên trời như sau: “Tôi quên đi những điều đằng sau và vươn tới những điều phía trước, tôi nỗ lực đạt đến mục tiêu là giải thưởng được Đức Chúa Trời gọi lên trời” (Phi-líp 1:10; 3:8, 13, 14). Ông đã tận dụng đời sống độc thân để có thể “luôn hết lòng phụng sự Chúa, không bị phân tâm”.—1 Cô 7:32-35.

16, 17. Dù còn độc thân hay đã kết hôn, chúng ta có thể noi gương Phao-lô như thế nào? Hãy kể lại một kinh nghiệm.

16 Giống như Phao-lô, một số tôi tớ của Đức Chúa Trời chọn sống độc thân để không phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình, nhờ thế họ có thể làm nhiều hơn trong công việc Nước Trời (Mat 19:11, 12). Những tôi tớ đã kết hôn thường có nhiều trách nhiệm gia đình hơn. Nhưng dù còn độc thân hay đã kết hôn, tất cả chúng ta đều có thể “quăng hết mọi gánh nặng” mà có lẽ khiến chúng ta bị phân tâm trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Điều này có lẽ đòi hỏi một người phải bỏ bớt những thói quen gây lãng phí thời gian và đặt những mục tiêu để dành nhiều thời gian hơn cho việc phụng sự Đức Chúa Trời.

17 Hãy xem kinh nghiệm của một cặp vợ chồng từ xứ Wales tên là Mark và Claire. Cả hai anh chị đều làm tiên phong sau khi hoàn tất việc học tại trường, và họ vẫn tiếp tục đặc ân này sau khi kết hôn. Anh Mark chia sẻ: “Chúng tôi đã đơn giản hóa đời sống hơn nữa bằng cách bán căn nhà có ba phòng ngủ và nghỉ việc làm bán thời gian. Nhờ thế, chúng tôi có thể tham gia công việc xây cất quốc tế”. Trong 20 năm qua, họ đã đi khắp châu Phi, giúp xây các Phòng Nước Trời. Có lần, tài khoản của họ chỉ còn vỏn vẹn 15 đô la, nhưng Đức Giê-hô-va đã chăm sóc họ. Chị Claire cho biết: “Được phụng sự Đức Giê-hô-va mỗi ngày mang lại sự thỏa lòng sâu xa. Chúng tôi có rất nhiều bạn trong quá trình đi xây cất, và chúng tôi chẳng thiếu thốn gì. Những thứ nhỏ nhoi mà chúng tôi đã từ bỏ không thể so với niềm hạnh phúc đến từ việc phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian”. Nhiều tôi tớ phụng sự trọn thời gian cũng có những trải nghiệm tương tự. *

18. Có lẽ một số người trong chúng ta cần xem xét những câu hỏi nào?

18 Còn anh chị thì sao? Anh chị có thể làm gì nếu nhận thấy mình không còn sốt sắng theo đuổi quyền lợi Nước Trời như trước vì bị phân tâm bởi những điều không cần thiết? Có lẽ câu trả lời là đọc và suy ngẫm Kinh Thánh một cách hiệu quả hơn. Anh chị có thể làm thế ra sao? Bài kế tiếp sẽ giải thích về điều này.

^ đ. 7 Xem bài “Kẻ dại dột ai nói gì cũng tin” trong số này.

^ đ. 17 Cũng xem tự truyện của anh Hadyn Sanderson và chị Melody Sanderson trong bài “Biết điều đúng và làm theo” (Tháp Canh ngày 1-3-2006). Họ đã từ bỏ công việc kinh doanh phát đạt ở Úc để tham gia thánh chức trọn thời gian. Hãy đọc xem điều gì xảy ra lúc họ không còn đồng nào trong túi khi đang làm giáo sĩ ở Ấn Độ.