Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Dạy dỗ và sửa trị con cái

Dạy dỗ và sửa trị con cái

John *: Khi tôi làm điều sai, cha mẹ tôi cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và tình huống trước khi phạt tôi. Tôi cố gắng noi gương cha mẹ trong cách sửa trị các con. Nhưng vợ tôi là Alison thì lớn lên trong môi trường khác. Cha mẹ cô ấy hấp tấp hơn, dường như họ phạt các con mà không cần biết nguyên nhân của sự việc. Đôi khi tôi cảm thấy vợ tôi dạy dỗ con cái cách khắt khe giống như thế.

Khanh: Cha tôi bỏ rơi gia đình khi tôi lên năm. Ông không hề quan tâm đến tôi và ba em gái. Mẹ tôi làm việc vất vả để nuôi chúng tôi, và tôi phải gánh vác nhiều trách nhiệm trong việc chăm sóc các em. Tôi không có một tuổi thơ hồn nhiên vì phải đảm nhiệm vai trò của người lớn. Cho đến nay, tôi vẫn là người nghiêm nghị hơn là thích đùa. Khi cần phải sửa trị con cái, tôi suy nghĩ và lo lắng nhiều về lỗi của các con. Tôi muốn biết tại sao điều đó xảy ra và các con đã nghĩ gì. Ngược lại, chồng tôi là anh Hùng không bận tâm quá nhiều về điều đó. Anh có một người cha yêu thương nhưng cứng rắn và một lòng chăm sóc mẹ anh. Đối với các con, anh giải quyết mọi chuyện cách nhanh chóng. Anh xem xét tình huống, sửa sai và không còn thắc mắc gì nữa.

Như nhận xét của anh John và chị Khanh, giáo dục của gia đình ảnh hưởng sâu xa đến cách bạn dạy dỗ và sửa trị con cái. Khi hai vợ chồng lớn lên trong môi trường giáo dục khác nhau, họ có thể không đồng quan điểm trong việc dạy con. Đôi khi những bất đồng này gây căng thẳng cho hôn nhân.

Vấn đề có thể trầm trọng hơn khi cả hai vợ chồng đều cảm thấy kiệt sức. Các cặp vợ chồng mới có con nhanh chóng nhận thấy rằng việc dạy dỗ con cái làm họ mệt mỏi và mất hết thời gian. Chị Oanh cùng chồng là anh Dũng có hai con gái. Chị cho biết: “Tôi yêu các con nhưng mấy đứa nhỏ nhà tôi hiếm khi nghe lời tôi đi ngủ đúng giờ. Các cháu thức giấc vào những lúc bất tiện nhất. Khi tôi muốn nói chuyện, các cháu thường ngắt ngang. Các cháu vứt giày dép, quần áo và đồ chơi bừa bãi, cũng không chịu dọn dẹp sau khi ăn”.

Khi có đứa con thứ hai, vợ anh Giang bị chứng trầm cảm sau sinh. Anh Giang cho biết: “Tôi thường trở về nhà mệt lử và phải thức khuya để chăm sóc con mới sinh. Điều này khiến cho tôi khó dạy dỗ con gái lớn một cách nhất quán. Cháu lớn ganh tị vì chúng tôi cũng phải dành thời gian chăm sóc cho em bé”.

Khi cha mẹ mệt mỏi và bất đồng ý kiến về cách dạy dỗ con, vấn đề nhỏ có thể bùng nổ thành cuộc cãi vã. Những bất đồng không được giải quyết có thể chia cắt hai vợ chồng, và tạo cho con cơ hội lôi kéo cha hoặc mẹ để có được điều nó muốn. Nguyên tắc Kinh Thánh nào sẽ giúp các bậc cha mẹ dạy dỗ con cái thành công mà vẫn giữ vững tình nghĩa vợ chồng?

Thời gian riêng cho vợ chồng

Đức Chúa Trời có ý định là vợ chồng phải kết hôn trước khi sinh con, và tiếp tục duy trì mối quan hệ này lâu dài sau khi con cái trưởng thành, ra sống riêng. Kinh Thánh nói về sự vững bền của hôn nhân: “Loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!” (Ma-thi-ơ 19:6). Mặt khác, trong cùng đoạn Kinh Thánh đó, Đức Chúa Trời cho biết ý định Ngài là cuối cùng con cái sẽ “lìa cha mẹ” (Ma-thi-ơ 19:5). Thật vậy, nuôi dạy con cái chỉ là một thời kỳ, chứ không phải là nền tảng của hôn nhân. Hiển nhiên, cha mẹ cần đầu tư thời gian vào việc nuôi dạy con cái, nhưng họ nên nhớ rằng hôn nhân bền vững là nền tảng tốt nhất để làm điều đó.

Trong những năm tháng nuôi dạy con, một cách để có thể giữ vững tình nghĩa vợ chồng là gì? Nếu có thể, hãy thường xuyên dành thời gian cho nhau mà không có con cái bên cạnh. Nhờ thế, vợ chồng bạn có thể bàn luận về những vấn đề quan trọng trong gia đình và có thời gian riêng tư bên nhau. Phải thừa nhận rằng muốn được như vậy không phải là dễ. Chị An được đề cập ở đầu bài nói: “Ngay khi vợ chồng tôi vừa mới có vài phút bên nhau, thì con gái út đòi chúng tôi phải chú ý đến bé, hoặc con gái sáu tuổi của chúng tôi gặp vấn đề mà theo cháu là “khủng hoảng”, chẳng hạn như không tìm thấy bút chì màu”.

Anh Dũng và chị Oanh được đề cập ở trên đã có thời gian riêng cho nhau nhờ quy định giờ các con phải đi ngủ. Chị Oanh nói: “Chúng tôi buộc các cháu phải đi ngủ và tắt đèn đúng giờ. Nhờ thế, anh Dũng và tôi có thời gian nghỉ ngơi và trò chuyện”.

Khi quy định giờ ngủ cho các con, hai vợ chồng không những có thể có thời gian ở bên nhau mà còn giúp đứa trẻ hiểu “đừng nghĩ về mình cao quá” (Rô-ma 12:3, Bản Dịch Mới). Những trẻ được dạy phải đi ngủ đúng giờ dần dần nhận ra rằng chúng là thành viên quan trọng trong gia đình nhưng không phải là nhân vật trung tâm—chúng phải theo nề nếp của gia đình, chứ không thể buộc cha mẹ phải chiều ý chúng.

HÃY THỬ XEM: Hãy quy định giờ ngủ và kiên quyết theo sát quy định đó. Nếu con trẻ viện lý do để có thể thức khuya hơn, chẳng hạn như muốn uống nước, bạn có thể chỉ chấp nhận một yêu cầu. Nhưng đừng để con bạn kiếm đủ mọi lý do để không đi ngủ đúng giờ. Nếu con bạn năn nỉ được chơi thêm năm phút nữa, và bạn đồng ý, hãy để đồng hồ reo sau năm phút. Khi đồng hồ reo, bạn hãy buộc con đi ngủ và không được đòi hỏi thêm. Hãy làm đúng với câu: “Phải thì nói phải, không thì nói không”.—Ma-thi-ơ 5:37, BDM.

Hỗ trợ nhau khi sửa trị con

Một câu châm ngôn khôn ngoan nói: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên-dạy của cha, chớ bỏ phép-tắc của mẹ con” (Châm-ngôn 1:8). Câu Kinh Thánh này cho thấy cả cha lẫn mẹ đều có quyền trên con cái. Tuy nhiên, ngay cả khi một cặp vợ chồng có hoàn cảnh lớn lên giống nhau, họ cũng có thể bất đồng ý kiến về việc sửa trị con và những luật nên áp dụng trong một trường hợp cụ thể nào đó. Cha mẹ có thể đối phó với khó khăn này như thế nào?

Anh John, được đề cập ở trên, cho biết: “Tôi cảm thấy điều quan trọng là không để lộ bất đồng ý kiến trước mặt con”. Tuy nhiên, anh thừa nhận rằng hỗ trợ nhau khi sửa trị con là điều nói thì dễ mà làm thì khó. Anh nói: “Con trẻ rất tinh ý. Ngay cả dù chúng tôi không nói ra sự bất đồng ý kiến, con gái chúng tôi vẫn có thể nhận ra được điều đó”.

Anh John và chị Alison giải quyết vấn đề như thế nào? Chị Alison nói: “Nếu không đồng ý với cách chồng tôi sửa trị con, tôi đợi đến khi cháu đi khỏi rồi mới nói lên quan điểm của mình. Tôi không muốn cháu nghĩ rằng vì cha mẹ bất đồng quan điểm nên cháu có thể “chia rẽ và chiến thắng” cha mẹ. Nếu cháu nhận ra chúng tôi bất đồng ý kiến, tôi bảo cháu rằng mọi thành viên trong gia đình phải theo sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va. Tôi sẵn lòng vâng phục quyền làm đầu của cha cháu giống như cháu nên vâng phục quyền của cha mẹ” (1 Cô-rinh-tô 11:3; Ê-phê-sô 6:1-3). Anh John cho biết: “Khi gia đình ở cùng với nhau, tôi thường dẫn đầu trong việc sửa trị các con. Nhưng nếu vợ tôi biết rõ tình huống hơn, tôi để cô ấy sửa trị và hỗ trợ quyết định của cô ấy. Nếu chúng tôi không đồng quan điểm về một điều, tôi sẽ thảo luận với cô ấy sau đó”.

Để cho việc bất đồng ý kiến về cách dạy con làm nảy sinh hờn giận giữa hai vợ chồng có thể làm giảm lòng tôn trọng của con cái đối với bạn. Vậy, làm thế nào để tránh điều đó?

HÃY THỬ XEM: Hãy chọn một thời điểm cụ thể mỗi tuần để nói về việc dạy con, và thảo luận cởi mở về những bất đồng nảy sinh. Hãy cố gắng thấy được quan điểm của người hôn phối, và công nhận rằng người hôn phối bạn có mối quan hệ riêng với con.

Hãy để việc dạy dỗ con cái giúp bạn gần nhau hơn

Rõ ràng, nuôi dạy con cái không dễ. Đôi khi, bạn có thể cảm thấy trách nhiệm này lấy hết năng lực của mình. Tuy nhiên, không sớm thì muộn, con cái bạn sẽ trưởng thành và rời gia đình. Khi ấy, bạn và người hôn phối trở lại thời gian chỉ có hai người với nhau. Việc nuôi dạy con cái sẽ giúp hôn nhân của bạn được củng cố hay trở nên căng thẳng? Lời giải đáp tùy thuộc cách bạn áp dụng nguyên tắc nơi Truyền-đạo 4:9, 10: “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công-giá tốt về công-việc mình. Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên”.

Khi cha mẹ hợp tác với nhau, kết quả sẽ tốt đẹp. Chị Khanh được đề cập ở trên bày tỏ cảm nghĩ: “Tôi biết chồng tôi có nhiều tính tốt, nhưng cùng nhau nuôi dạy con cái giúp tôi khám phá ra những đức tính khác của anh ấy. Tôi càng yêu và kính trọng anh khi thấy cách anh yêu thương chăm sóc các con”. Anh John nói về chị Alison: “Thấy cách vợ tôi trở thành một người mẹ biết chăm lo cho con, tôi càng yêu và ngưỡng mộ cô ấy”.

Trong những năm tháng nuôi dạy con cái, vợ chồng bạn nên dành thời gian riêng cho nhau và cộng tác với nhau. Như thế, khi con cái ngày càng lớn lên, hôn nhân của bạn sẽ ngày càng bền chặt. Còn có gương nào tốt hơn để con bạn noi theo?

^ đ. 3 Các tên đã đổi.

HÃY TỰ HỎI:

  • Mỗi tuần tôi dành bao nhiêu thời gian riêng cho người hôn phối mà không có con cái quấn quít bên cạnh?

  • Khi người hôn phối sửa trị các con, tôi hỗ trợ như thế nào?