Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Danh Chúa trong tiếng Swahili

Danh Chúa trong tiếng Swahili

“Tiếng Swahili”. Với nhiều người, ngôn ngữ này gợi lên hình ảnh châu Phi và những loài thú hoang dã lang thang trên những đồng cỏ Serengeti. Nhưng còn nhiều điều khác nữa để kể về tiếng Swahili và những người nói thứ tiếng này.

Có tới 100 triệu người nói tiếng Swahili tại ít nhất 12 nước ở miền trung và miền đông châu Phi *. Tại một số nước như Kenya, Tanzania và Uganda thì tiếng Swahili là quốc ngữ. Với các nước xung quanh, nó là ngôn ngữ chung, cho phép người từ các vùng khác nhau có thể buôn bán và giao tiếp dễ dàng.

Tiếng Swahili đóng vai trò rất quan trọng trong việc hợp nhất người dân ở vùng Đông Phi. Ví dụ, chỉ riêng tại Tanzania đã có ít nhất 114 ngôn ngữ bộ lạc. Hãy tưởng tượng là từ nhà bạn, chỉ cần đi 40-80km là sẽ gặp người nói thứ tiếng hoàn toàn khác với bạn! Đôi khi tất cả những người cùng nói một thứ tiếng sống chung trong vài khu làng nhỏ. Làm sao có thể giao tiếp với họ đây? Điều này cho thấy là cần phải có một ngôn ngữ chung.

Lịch sử tiếng Swahili

Người ta tin rằng tiếng Swahili đã được sử dụng ít nhất là từ thế kỷ thứ mười, rồi bắt đầu có chữ viết từ thế kỷ thứ 16. Những ai học nói ngôn ngữ này sẽ dễ nhận ra một số từ hao hao tiếng Ả Rập. Đúng vậy, ít nhất 20 phần trăm số từ trong tiếng Swahili có gốc từ Ả Rập, phần lớn số từ còn lại có gốc từ châu Phi. Vì thế, không lạ gì khi trong vài thế kỷ, tiếng Swahili đã được viết bằng chữ Ả Rập.

Ngày nay, tiếng Swahili được viết bằng chữ La-tinh. Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao lại thay đổi? Để có câu trả lời, chúng ta phải trở về giữa thế kỷ thứ 19, khi lần đầu tiên những nhà truyền giáo châu Âu đến Đông Phi để chia sẻ thông điệp trong Kinh Thánh cho dân bản xứ.

Lần đầu tiên Lời Đức Chúa Trời đến Đông Phi

Cùng thời điểm với chuyến hành trình nổi tiếng của Vasco da Gama quanh mũi nam châu Phi, vào năm 1499, những nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha đã cho người dân Đông Phi biết về Công giáo khi lập nên một hội truyền giáo ở Zanzibar. Tuy nhiên, trong vòng 200 năm, những người Bồ Đào Nha cùng với “Ki-tô giáo” đã bị dân địa phương chống đối và trục xuất khỏi vùng.

Phải đến 150 năm sau, Lời Đức Chúa Trời mới trở lại Đông Phi nhờ công của ông Johann Ludwig Krapf, một nhà truyền giáo người Đức. Khi ông đến Mombasa, Kenya vào năm 1844, hầu hết dân tại vùng bờ biển Đông Phi theo đạo Hồi, trong khi nhiều người sống ở nội địa vẫn giữ truyền thống là tin vào thuyết vật linh. Theo Krapf, điều quan trọng là mọi người phải có Kinh Thánh.

Không lãng phí thời gian, Krapf bắt đầu học tiếng Swahili. Tháng 6 năm 1844, không lâu sau khi đến đó, ông bắt tay vào công việc đầy thử thách là dịch Kinh Thánh. Đáng buồn là một tháng sau đó, ông phải chịu một nỗi mất mát to lớn—người vợ mới cưới được hai năm qua đời, rồi vài ngày sau đó là cái chết của đứa con gái còn ẵm ngửa. Dù đau buồn nhưng ông vẫn tiếp tục thi hành trọng trách dịch Kinh Thánh. Năm 1847, ba chương đầu của sách Sáng-thế Ký được xuất bản và trở thành văn bản đầu tiên bằng tiếng Swahili.

Sáng-thế Ký 1:1-3 bằng tiếng Swahili, bản dịch 1847 của Johann Krapf

Krapf là người đầu tiên sử dụng chữ La-tinh để viết tiếng Swahili, thay vì chữ Ả Rập theo truyền thống. Hai trong số những lý do khiến ông không sử dụng chữ Ả Rập là “chữ Ả Rập sẽ làm khó người châu Âu” khi sau này họ học tiếng Swahili, và “chữ La-tinh thì dễ hơn cho ‘dân bản xứ học những ngôn ngữ châu Âu’”. Một số người vẫn sử dụng chữ Ả Rập trong nhiều năm; có những phần Kinh Thánh đã được xuất bản bằng kiểu chữ ấy. Dù thế, việc sử dụng chữ La-tinh đã giúp nhiều người học tiếng Swahili dễ dàng hơn. Dĩ nhiên là những nhà truyền giáo và người học tiếng Swahili rất thích sự thay đổi này.

Không những tiên phong trong việc dịch Lời Đức Chúa Trời ra tiếng Swahili, Krapf còn đặt nền tảng cho những dịch giả sau này. Ông đã cho ra đời sách ngữ pháp cũng như từ điển tiếng Swahili đầu tiên.

Danh Đức Chúa Trời trong tiếng Swahili

Một phần Ma-thi-ơ chương 1 bằng tiếng Swahili, chữ Ả Rập, 1891

Trong ấn bản đầu tiên của ba chương đầu sách Sáng-thế Ký, danh Đức Chúa Trời chỉ được dịch là “Chúa Toàn Năng”. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ thứ 19, một số người khác đã đến Đông Phi và tiếp tục dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Swahili. Trong số họ gồm có Johann Rebmann, William Taylor, Harry Binns, Edward Steere, Francis Hodgson và Arthur Madan.

Đáng chú ý là một số bản dịch sơ khai ấy có danh của Đức Chúa Trời, không chỉ ở một vài chỗ mà trong toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ! Những người tại Zanzibar đã dịch danh Đức Chúa Trời là “Yahuwa”, trong khi số khác sống tại Mombasa thì dịch là “Jehova”.

Đến năm 1895 đã có Kinh Thánh trọn bộ bằng tiếng Swahili. Nhiều thập kỷ sau đó, vài bản dịch khác cũng xuất hiện, dù một số bản không được phân phối rộng rãi. Trong những năm đầu của thế kỷ 20, người ta đã nỗ lực chuẩn hóa tiếng Swahili ở Đông Phi. Việc này dẫn đến sự ra đời của quyển Kinh Thánh Swahili Union Version vào năm 1952, là bản dịch phổ biến nhất. Điều này cũng mang lại kết quả là trong tiếng Swahili, từ “Yehova” được nhiều người chấp nhận nhất trong các từ chỉ danh Đức Chúa Trời.

Đoạn có danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, trong một trang mở đầu của bản “Swahili Union Version”

Đáng tiếc là khi những bản dịch sơ khai đó không còn in nữa thì danh thánh dần biến mất theo. Một số bản dịch mới đã xóa toàn bộ danh Đức Chúa Trời, và số khác chỉ giữ lại ở vài chỗ. Ví dụ, trong bản Union Version, danh Đức Chúa Trời chỉ xuất hiện 15 lần và trong bản hiệu đính năm 2006, danh đó chỉ còn 11 lần *.

Những bản dịch sơ khai dịch danh Đức Chúa Trời là “Yahuwa” và “Jehova”

Mặc dù bản dịch đó đã bỏ gần hết danh Đức Chúa Trời nhưng nó vẫn có một đặc điểm đáng chú ý. Xuất hiện rõ ràng nơi một trong những trang mở đầu là lời tuyên bố danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Điều này thật sự rất hữu ích để những người tìm kiếm sự thật biết được danh riêng của Cha trên trời từ quyển Kinh Thánh của họ.

Thế nhưng, câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Năm 1996, Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) ra mắt trong tiếng Swahili. Đây là bản dịch đầu tiên khôi phục danh Đức Giê-hô-va tại 237 chỗ trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Đến năm 2003, trọn bộ Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới trong tiếng Swahili ra đời. Cho đến nay, có khoảng 900.000 quyển Bản dịch Thế Giới Mới đã được in.

Danh Đức Chúa Trời không còn bị che giấu bằng một tước vị nào đó hoặc bị hạ thấp vì chỉ xuất hiện trong lời mở đầu. Giờ đây, khi những người có lòng thành thật mở Bản dịch Thế Giới Mới bằng tiếng Swahili, họ đến gần Đức Giê-hô-va hơn mỗi lần thấy danh ngài (xuất hiện hơn 7.000 lần trong Kinh Thánh).

Bản dịch này cũng đã cố gắng sử dụng ngôn ngữ Swahili hiện đại, dễ hiểu để có thể đến được với mọi người nói tiếng Swahili ở Đông Phi. Bên cạnh đó, một số ý tưởng sai lọt vào các bản dịch khác đã bị loại ra. Nhờ thế, độc giả có thể tin chắc rằng họ đang đọc những lời “chánh-trực và chân-thật” vì đã được Đấng Tạo Hóa là Giê-hô-va Đức Chúa Trời hướng dẫn viết ra.—Truyền-đạo 12:10.

Nhiều người vui thích sử dụng “Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới” bằng tiếng Swahili

Nhiều người đã nói lên lòng biết ơn đối với Bản dịch Thế Giới Mới bằng tiếng Swahili. Anh Vicent 21 tuổi, một Nhân Chứng Giê-hô-va phụng sự trọn thời gian, cho biết: “Tôi rất phấn khởi vì Bản dịch Thế Giới Mới sử dụng tiếng Swahili đơn giản và đặt danh Đức Giê-hô-va đúng ngay những chỗ đã bị xóa bỏ”. Chị Frieda, một người mẹ có ba con, nhận thấy rằng bản dịch này đã giúp chị giải thích sự thật trong Kinh Thánh cho mọi người dễ hơn.

Từ những bước khởi đầu nhỏ nhoi, việc dịch Lời Đức Chúa Trời ra tiếng Swahili đã trải dài trong hơn 150 năm. Chúa Giê-su nói ngài “đã tỏ danh Cha cho những người trong thế gian” (Giăng 17:6). Ngày nay, bằng cách dùng Bản dịch Thế Giới Mới, hơn 76.000 Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va nói tiếng Swahili tại miền trung và miền đông châu Phi vui mừng rao báo cho mọi người biết đến danh Đức Giê-hô-va.

^ đ. 3 Tiếng Swahili được sử dụng dưới nhiều hình thái tại các quốc gia này.