Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 HÃY ÐẾN GẦN ÐỨC CHÚA TRỜI

“Ðức Giê-hô-va đã sẵn lòng tha thứ anh em”

“Ðức Giê-hô-va đã sẵn lòng tha thứ anh em”

“Ai không thể tha thứ người khác thì làm gãy cây cầu mà chính mình phải bước qua”. Những lời trên của sử gia Edward Herber, người Anh sống vào thế kỷ 17, nhấn mạnh một lý do chúng ta nên tha thứ cho người khác: Không sớm thì muộn, có lẽ chúng ta cần xin người khác tha thứ cho mình (Ma-thi-ơ 7:12). Tuy nhiên, còn có lý do quan trọng hơn nhiều để chúng ta thể hiện lòng tha thứ. Hãy lưu ý những lời của sứ đồ Phao-lô nơi Cô-lô-se 3:13.Ðọc.

Vì tất cả chúng ta đều không hoàn hảo nên đôi khi chúng ta làm người khác bực mình hoặc cảm thấy bị xúc phạm, và ngược lại (Rô-ma 3:23). Làm thế nào chúng ta có thể giữ hòa khí với người xung quanh, cũng lầm lỗi như mình? Dưới sự hướng dẫn của Ðức Chúa Trời, Phao-lô khuyên chúng ta hãy chịu đựng và tha thứ. Ngày nay, lời khuyên này vẫn thiết thực như khi được viết cách đây gần hai ngàn năm. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn lời của Phao-lô.

‘Hãy tiếp tục chịu đựng nhau’. Cụm từ “tiếp tục chịu đựng” diễn tả một từ Hy Lạp, hàm ý việc nhẫn nhịn hay khoan dung. Một tài liệu tham khảo cho biết tín đồ đạo Ðấng Ki-tô thể hiện đức tính này qua việc “sẵn lòng chịu đựng người có khuyết điểm hay tính nết gây khó chịu cho họ”. Từ “nhau” cho chúng ta thấy sự nhẫn nhịn hay chịu đựng như vậy phải có qua có lại. Nghĩa là khi nhớ tính nết của chúng ta có lẽ khiến người khác khó chịu, chúng ta sẽ tránh để những điều mình không thích nơi người khác ảnh hưởng đến sự hòa thuận giữa hai bên. Nhưng nếu một người phạm lỗi với chúng ta thì sao?

‘Hãy tiếp tục sẵn lòng tha thứ nhau’. Theo một học giả, từ Hy Lạp được dịch “sẵn lòng tha thứ” “không phải là từ thông thường cho việc dung thứ hay tha thứ... nhưng từ này còn có nghĩa rộng hơn là nhấn mạnh sự rộng lượng của việc tha thứ”. Tài liệu khác cho biết từ này có thể mang nghĩa “làm điều gì đó đem lại sự hài lòng như thương xót, giúp đỡ”. Chúng ta thể hiện lòng thương xót bằng cách sẵn sàng tha thứ, ngay cả khi “có lý do để phàn nàn về người khác”. Vậy, tại sao chúng ta nên sẵn lòng tha thứ? Một lý do là không sớm thì muộn, có thể chúng ta cần xin sự tha thứ của người từng phạm lỗi với mình.

“Ðức Giê-hô-va đã sẵn lòng tha thứ anh em thể nào, anh em cũng phải làm như vậy”. Ðây là lý do quan trọng nhất để chúng ta sẵn lòng tha thứ người khác: Giê-hô-va Ðức Chúa Trời sẵn lòng tha thứ chúng ta (Mi-chê 7:18). Hãy nghĩ về lòng thương xót cao cả mà Ðức Giê-hô-va ban cho những người phạm tội biết ăn năn. Khác với chúng ta, Ðức Giê-hô-va không phạm tội. Dù Ðức Giê-hô-va biết ngài không bao giờ cần sự tha thứ của người phạm tội, nhưng ngài sẵn lòng và hoàn toàn thương xót người biết ăn năn. Thật thế, Ðức Giê-hô-va nêu gương xuất sắc nhất trong việc sẵn lòng tha thứ cho người phạm tội biết ăn năn!

Ðức Giê-hô-va nêu gương xuất sắc nhất trong việc sẵn lòng tha thứ cho người phạm tội biết ăn năn!

Lòng thương xót của Ðức Giê-hô-va thu hút chúng ta đến gần ngài và thôi thúc chúng ta noi gương ngài (Ê-phê-sô 4:32–5:1). Chúng ta nên tự hỏi: “Ðức Giê-hô-va đã rộng lòng tha thứ mình, vậy sao mình lại không thể tha thứ cho người phạm lỗi đã thật lòng ăn năn, là người không hoàn hảo như mình?”.—Lu-ca 17:3, 4.