Đi đến nội dung

“Tin Chúa Giê-su”—Có đủ để được cứu rỗi?

“Tin Chúa Giê-su”—Có đủ để được cứu rỗi?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Tín đồ Ki-tô giáo tin rằng Chúa Giê-su đã chết vì tội lỗi của nhân loại (1 Phi-e-rơ 3:18). Tuy nhiên, việc tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Rỗi thì chưa đủ để được cứu. Các quỷ cũng tin Chúa Giê-su là “Con Đức Chúa Trời”, nhưng chúng không được cứu rỗi mà sẽ bị hủy diệt.—Lu-ca 4:41; Giu-đe 6.

 Tôi phải làm gì để được cứu?

  •   Bạn phải tin rằng Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống để chuộc tội cho chúng ta (Công vụ 16:30, 31; 1 Giăng 2:2). Điều này bao hàm việc tin rằng Chúa Giê-su là đấng có thật và mọi lời tường thuật trong Kinh Thánh về ngài là chính xác.

  •   Tìm hiểu Kinh Thánh thật sự dạy gì (2 Ti-mô-thê 3:15). Kinh Thánh cho biết sứ đồ Phao-lô và Si-la nói với một viên cai tù: “Hãy tin Chúa Giê-su thì anh... sẽ được cứu”. Rồi họ bắt đầu dạy “lời Đức Giê-hô-va” a cho ông (Công vụ 16:31, 32). Điều này cho thấy để thật sự tin Chúa Giê-su, viên cai tù cần có sự hiểu biết căn bản về Lời Đức Chúa Trời. Ông cần có sự hiểu biết chính xác dựa trên Kinh Thánh.—1 Ti-mô-thê 2:3, 4.

  •   Hãy ăn năn (Công vụ 3:19). Bạn cũng phải ăn năn, tức cảm thấy đau buồn, về thái độ và việc làm sai trái trước kia. Sự ăn năn sẽ được thấy rõ khi bạn từ bỏ những điều làm Đức Chúa Trời buồn lòng và “hành động phù hợp với sự ăn năn”.​—Công vụ 26:20.

  •   Chịu phép báp-têm (Ma-thi-ơ 28:19). Chúa Giê-su nói rằng những ai muốn làm môn đồ ngài thì phải chịu phép báp-têm. Viên cai tù được đề cập ở trên đã báp-têm (Công vụ 16:33). Tương tự, sau khi sứ đồ Phi-e-rơ giảng cho một đám đông lớn sự thật về Chúa Giê-su, “những người vui lòng chấp nhận lời ông đã chịu phép báp-têm”.—Công vụ 2:40, 41.

  •   Vâng theo các chỉ dẫn của Chúa Giê-su (Hê-bơ-rơ 5:9). Những người “giữ mọi điều” mà Chúa Giê-su truyền dặn cho thấy điều đó qua lối sống của mình (Ma-thi-ơ 28:20). Họ ‘làm theo lời ấy, chứ không chỉ nghe thôi’.—Gia-cơ 1:22.

  •   Bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng (Mác 13:13). Môn đồ của Chúa Giê-su “cần có tính chịu đựng” để được cứu (Hê-bơ-rơ 10:36). Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô luôn vâng theo những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su và trung thành với Đức Chúa Trời. Ông đã làm thế kể từ khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô cho đến khi qua đời.—1 Cô-rinh-tô 9:27.

 Nói sao về “Lời cầu nguyện của tội nhân”?

 Trong vài tôn giáo, người ta hay đọc một số bài cầu nguyện như “Lời cầu nguyện của tội nhân” và “Lời cầu nguyện cứu rỗi”. Thường thì trong những bài kinh đó có lời thừa nhận mình có tội và bày tỏ niềm tin rằng Chúa Giê-su đã chết cho tội lỗi của mình. Trong đó cũng có lời cầu xin Chúa Giê-su vào lòng hoặc đời sống của họ. Tuy nhiên, Kinh Thánh không đề cập đến “Lời cầu nguyện của tội nhân” và cũng không khuyến khích dùng những lời cầu nguyện máy móc như thế.

 Một số người cho rằng sau khi đọc “Lời cầu nguyện của tội nhân”, một người sẽ được cứu rỗi vĩnh viễn. Nhưng bản thân lời cầu nguyện không đảm bảo cho điều ấy. Là người bất toàn, chúng ta tiếp tục phạm lỗi (1 Giăng 1:8). Đó là lý do Chúa Giê-su dạy các môn đồ thường xuyên xin Đức Chúa Trời tha tội (Lu-ca 11:2, 4). Ngoài ra, một số người từng có triển vọng được cứu rỗi vĩnh viễn nhưng đã đánh mất triển vọng đó vì lìa bỏ Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 6:4-6; 2 Phi-e-rơ 2:20, 21.

 “Lời cầu nguyện của tội nhân” bắt nguồn từ đâu?

 Các sử gia có quan điểm khác nhau về nguồn gốc của “Lời cầu nguyện của tội nhân”. Một số cho rằng truyền thống đọc lời cầu nguyện đó bắt đầu có vào thời Phong trào Cải cách Giáo hội. Số khác nói rằng người ta bắt đầu đọc bài kinh này trong các phong trào tôn giáo vào thế kỷ 18 và 19. Dù trường hợp nào đi nữa thì Kinh Thánh không ủng hộ thực hành này, thật ra nó đi ngược với sự dạy dỗ trong Kinh Thánh.

a Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời được tiết lộ trong Kinh Thánh.