Đi đến nội dung

Tội lỗi là gì?

Tội lỗi là gì?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Tội lỗi là bất kỳ hành động, cảm xúc hoặc suy nghĩ nào đi ngược lại tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Nó bao gồm sự vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời qua việc làm điều sai, hay điều không công chính, trước mắt ngài (1 Giăng 3:4; 5:17). Kinh Thánh cũng nhắc đến tội chểnh mảng, tức không làm điều đúng mà lẽ ra phải làm.​—Gia-cơ 4:17.

 Trong nguyên ngữ Kinh Thánh, những từ được dịch là “tội lỗi” có nghĩa là “trật mục tiêu”. Ví dụ, một nhóm quân lính ở Y-sơ-ra-ên xưa dùng dây để bắn đá điêu luyện đến mức “không sai một li”. Cụm từ này có thể dịch theo nghĩa đen là “chẳng hề phạm tội” (Quan xét 20:16). Như vậy, phạm tội nghĩa là đi trật mục tiêu, tức đi trật ra ngoài các tiêu chuẩn hoàn hảo của Đức Chúa Trời.

 Là Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời có quyền đặt ra tiêu chuẩn cho loài người (Khải huyền 4:11). Chúng ta phải khai trình, hay chịu trách nhiệm, trước ngài về những hành động của mình.​—Rô-ma 14:12.

Có thể nào hoàn toàn tránh được tội lỗi không?

 Không. Kinh Thánh nói: “Mọi người đều phạm tội và thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23; 1 Các vua 8:46; Truyền đạo 7:20; 1 Giăng 1:8). Tại sao vậy?

 Hai người đầu tiên là A-đam và Ê-va lúc đầu không có tội lỗi, vì họ được tạo ra cách hoàn hảo theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng thế 1:27). Tuy nhiên, họ đánh mất sự hoàn hảo vì không vâng lời ngài (Sáng thế 3:5, 6, 17-19). Khi sinh con, họ di truyền tội lỗi và sự khiếm khuyết cho con cháu (Rô-ma 5:12). Vua Đa-vít của Y-sơ-ra-ên từng nói rằng ông “mang lỗi lầm khi chào đời”.​—Thi thiên 51:5.

Có những tội nặng hơn tội khác không?

 Có. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói rằng dân ở thành Sô-đôm xưa là “những kẻ gian ác, mắc tội nặng”, và “tội của chúng thật nặng lắm” (Sáng thế 13:13; 18:20). Hãy xem ba yếu tố xác định mức độ nặng nhẹ của tội lỗi.

  1.   Tính nghiêm trọng. Kinh Thánh cảnh báo chúng ta phải tránh những tội trọng như gian dâm, thờ thần tượng, trộm cắp, say sưa, tống tiền, giết người và thực hành ma thuật (1 Cô-rinh-tô 6:​9-​11; Khải huyền 21:8). Kinh Thánh cho thấy những tội kể trên khác với những tội không cố ý do thiếu suy nghĩ, chẳng hạn như có lời nói và hành động làm tổn thương người khác (Châm ngôn 12:18; Ê-phê-sô 4:31, 32). Tuy nhiên, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta không nên xem nhẹ bất cứ tội nào vì nó có thể dẫn đến việc phạm tội nghiêm trọng hơn.​—Ma-thi-ơ 5:27, 28.

  2.   Động cơ. Một số người phạm tội là do không hiểu biết về những đòi hỏi của Đức Chúa Trời (Công vụ 17:30; 1 Ti-mô-thê 1:13). Dù không bào chữa cho những tội như thế, nhưng Kinh Thánh phân biệt chúng với những tội cố ý vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời (Dân số 15:30, 31). Những tội cố ý xuất phát từ “lòng ác”.​—Giê-rê-mi 16:12.

  3.   Số lần phạm tội. Kinh Thánh cũng cho thấy việc phạm tội một lần khác với việc phạm tội nhiều lần trong thời gian dài (1 Giăng 3:​4-8). Những ai “cố tình bước đi trong tội lỗi”, ngay cả sau khi đã học cách làm điều đúng, sẽ bị Đức Chúa Trời phán xét nặng nề.​—Hê-bơ-rơ 10:26, 27.

 Những người phạm tội trọng có thể cảm thấy bị dằn vặt bởi lỗi lầm của bản thân. Chẳng hạn, vua Đa-vít đã viết: “Các lỗi lầm con chồng chất ngập đầu, khác nào gánh nặng không sao mang nổi” (Thi thiên 38:4). Nhưng Kinh Thánh đem đến hy vọng sau: “Kẻ ác hãy bỏ đường lối mình, kẻ dữ hãy bỏ tư tưởng mình; kẻ ấy hãy trở về với Đức Giê-hô-va, đấng sẽ thương xót mình, về với Đức Chúa Trời chúng ta vì ngài rộng lòng thứ tha”.​—Ê-sai 55:7.