Đi đến nội dung

Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm nào về khoa học?

Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm nào về khoa học?

 Chúng tôi tôn trọng các thành tựu khoa học và tin vào những khám phá khoa học có bằng chứng ủng hộ.

 Một từ điển (Collins Cobuild Advanced Learner’s English Dictionary) định nghĩa: “Khoa học là môn nghiên cứu thiên nhiên và hoạt động của thế giới thiên nhiên, cũng như tri thức mà chúng ta tích lũy được về chúng”. Dù Kinh Thánh không phải là sách giáo khoa về khoa học, nhưng sách này khuyến khích người ta tìm hiểu về thế giới thiên nhiên và nhận lợi ích từ những khám phá khoa học. Hãy xem vài ví dụ:

  •   Thiên văn học: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này? Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy”.​—Ê-sai 40:26.

  •   Sinh học: Sa-lô-môn “luận về cây-cối, từ cây bá-hương của Li-ban cho đến chùm kinh-giới mọc ra nơi vách; người cũng có luận về loài vật, chim, loài côn-trùng, và cá”.​—1 Các Vua 4:33.

  •   Y học: “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần”.​—Lu-ca 5:31.

  •   Khí tượng học: “Ngươi có vào các kho tuyết chăng? Có thấy nơi chứa mưa đá... chăng? Gió đông theo lối nào mà thổi ra trên đất?”.​—Gióp 38:22-24.

 Ấn phẩm của chúng tôi tôn trọng khoa học vì có những bài viết về thiên nhiên và các khám phá khoa học. Các bậc cha mẹ là Nhân Chứng khuyến khích con cái đi học để hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh. Một số Nhân Chứng Giê-hô-va làm việc trong lĩnh vực khoa học, bao gồm hóa học, toán họcvật lý.

Hạn chế của khoa học

 Chúng tôi không tin rằng khoa học có thể giải đáp mọi câu hỏi của nhân loại. a Ví dụ, các nhà địa chất có thể phân tích trái đất được cấu tạo như thế nào, và các nhà nhân sinh học có thể nghiên cứu về cơ thể hoạt động ra sao. Nhưng tại sao trái đất hoạt động vô cùng hài hòa để có sự sống, và tại sao các bộ phận trong cơ thể phối hợp nhịp nhàng với nhau?

 Chúng tôi đã đi đến kết luận là chỉ Kinh Thánh có thể đưa ra lời giải đáp thỏa đáng cho những câu hỏi đó (Thi-thiên 139:13-16; Ê-sai 45:18). Vì thế, chúng tôi tin rằng nền giáo dục tốt bao gồm việc học hỏi về cả khoa học lẫn Kinh Thánh.

 Đôi khi khoa học có vẻ mâu thuẫn với Kinh Thánh. Tuy nhiên một số sự mâu thuẫn xuất phát từ sự hiểu lầm về những gì Kinh Thánh thật sự dạy. Ví dụ, Kinh Thánh không dạy rằng trái đất được tạo ra trong sáu ngày theo nghĩa đen, mỗi ngày kéo dài 24 giờ.​—Sáng-thế Ký 1:1; 2:4.

 Một số học thuyết bị nhiều người xem là thiếu bằng chứng vững chắc dựa trên khoa học và bị một số nhà khoa học đáng kính bác bỏ. Ví dụ, thế giới thiên nhiên phản ánh một sự thiết kế thông minh, thế nên chúng tôi có cùng quan điểm với nhiều nhà sinh học, hóa học và những nhà khoa học khác, là những người kết luận rằng sự sống không tiến hóa qua một quá trình đột biến ngẫu nhiên và sự chọn lọc tự nhiên.

a Theo nhà vật lý người Áo là ông Erwin Schrödinger, người đã đoạt giải Nobel, khoa học “cho chúng ta rất nhiều thông tin thực tế... nhưng nó hoàn toàn không nói gì về tất cả những điều chúng ta thật sự quan tâm, những điều thật sự quan trọng với mỗi người”. Và ông Albert Einstein nói: “Qua kinh nghiệm đau thương, chúng ta học được rằng tư duy hợp lý không đủ để giải quyết các vấn đề xã hội”.