Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Đồng tính có sai không?

Đồng tính có sai không?

 “Một trong những điều khó khăn nhất mà tôi từng đương đầu là có cảm tình với người cùng phái. Tôi cứ nghĩ rồi nó sẽ hết, nhưng những cảm xúc đó vẫn còn khiến tôi khổ sở”.​—David, 23 tuổi.

 Anh David là một tín đồ đạo Đấng Ki-tô và muốn làm Đức Chúa Trời vui lòng. Anh ấy có thể làm được điều đó dù có cảm xúc thích những người cùng phái không? Đức Chúa Trời thật sự có quan điểm nào về đồng tính?

 Kinh Thánh nói gì?

 Tùy theo nền văn hóa hoặc thời kỳ, người ta có thể có thái độ khác nhau về đồng tính. Tuy nhiên, tín đồ đạo Đấng Ki-tô không bị chi phối bởi quan điểm của số đông, hoặc “bị cuốn đi đây đó bởi luồng gió của mọi sự dạy dỗ” (Ê-phê-sô 4:14). Thay vì thế, quan điểm của họ về hành vi đồng tính (cũng như về bất cứ hành vi nào khác) đều dựa trên tiêu chuẩn của Kinh Thánh.

 Tiêu chuẩn của Kinh Thánh về những hành vi đồng tính rất rõ ràng. Lời Đức Chúa Trời nói:

  •  “Ngươi không được ăn nằm cùng người nam giống như ăn nằm cùng người nữ”.​—Lê-vi 18:22.

  •  “[Bởi] những ước muốn ô uế của lòng họ,... Đức Chúa Trời phó mặc họ cho những đam mê tình dục ghê tởm, vì những phụ nữ trong vòng họ đổi cách quan hệ tự nhiên sang cách trái tự nhiên”.​—Rô-ma 1:24, 26.

  •  “Đừng để bị lừa dối. Những kẻ gian dâm, kẻ thờ thần tượng, kẻ ngoại tình, người nam chịu quan hệ đồng tính, người nam thực hiện hành vi đồng tính, kẻ trộm cắp, kẻ tham lam, kẻ say sưa, kẻ lăng mạ và kẻ tống tiền sẽ chẳng được thừa hưởng Nước Đức Chúa Trời”.​—1 Cô-rinh-tô 6:9, 10.

 Trên thực tế, tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời áp dụng cho tất cả mọi người, dù họ có ham muốn với người cùng giới hay khác giới. Sự thật là mỗi người phải có tính tự chủ để không làm những điều khiến Đức Chúa Trời buồn lòng.​—Cô-lô-se 3:5.

 Phải chăng điều đó có nghĩa là...?

 Phải chăng điều đó có nghĩa là Kinh Thánh cổ vũ việc căm ghét những người đồng tính?

 Không. Trên thực tế, Kinh Thánh không cổ vũ việc căm ghét bất cứ ai, dù cho người đó có đồng tính hay không. Thay vì thế, Kinh Thánh bảo chúng ta “hãy theo đuổi sự hòa thuận với mọi người”, bất kể lối sống của họ ra sao (Hê-bơ-rơ 12:14). Vì vậy, việc bắt nạt, tội ác vì thù ghét hoặc bất cứ hình thức ngược đãi nào khác đối với người đồng tính đều là sai trái.

 Phải chăng điều đó có nghĩa là tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên phản đối việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính?

 Kinh Thánh cho biết tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về hôn nhân. Đó là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ (Ma-thi-ơ 19:4-6). Tuy nhiên, những tranh luận về luật pháp của loài người trong vấn đề hôn nhân đồng tính là liên quan đến chính trị, chứ không phải đạo đức. Kinh Thánh nói tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải giữ trung lập về chính trị (Giăng 18:36). Chính vì thế, họ không bênh vực, cũng không chống đối luật pháp của chính phủ về vấn đề hôn nhân đồng tính hoặc hành vi đồng tính.

 Nhưng nói sao nếu...?

 Nhưng nói sao nếu một người đang có những hành vi đồng tính? Người đó có thể thay đổi không?

 Có. Trên thực tế, một số người sống trong thế kỷ thứ nhất đã làm thế! Sau khi nói rằng những ai có hành vi đồng tính sẽ không được thừa hưởng Nước Đức Chúa Trời, Kinh Thánh cho biết: “Một số người trong anh em từng là người như thế”.​—1 Cô-rinh-tô 6:11.

 Phải chăng điều đó có nghĩa là những người đã ngừng các hành vi đồng tính sẽ không còn bất cứ khuynh hướng nào của lối sống đồng tính trước đây? Không. Kinh Thánh nói: “[Hãy] mặc lấy nhân cách mới, là nhân cách đang được đổi mới nhờ sự hiểu biết chính xác” (Cô-lô-se 3:10). Thay đổi là một quá trình liên tục.

 Nhưng nói sao nếu một người muốn sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời nhưng vẫn có những ham muốn đồng tính?

 Với bất kỳ ham muốn nào, một người có thể chọn không nuôi dưỡng hoặc không hành động theo những ham muốn ấy. Bằng cách nào? Kinh Thánh nói: “Hãy luôn bước theo thần khí, như thế anh em sẽ không bao giờ làm theo ham muốn của xác thịt”.​—Ga-la-ti 5:16.

 Hãy lưu ý là câu Kinh Thánh trên không nói rằng người ấy sẽ không có ham muốn xác thịt. Thay vì thế, người ấy sẽ có sức mạnh để chống lại những ham muốn đó nếu có những thói quen thiêng liêng tốt như học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện.

 Anh David được đề cập ở đầu bài đã nhận ra điều trên là đúng. Anh cũng thấy rằng việc tâm sự với cha mẹ, là những Nhân Chứng Giê-hô-va, về khó khăn của mình là điều hữu ích. Anh nói: “Tôi đã trút bỏ được gánh nặng trên vai mình. Nếu cho ba mẹ biết sớm hơn, hẳn tôi đã có tuổi thiếu niên vui hơn nhiều”.

 Thật vậy, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi tuân theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Chúng ta tin chắc rằng những tiêu chuẩn ấy “đều công chính, khiến lòng phấn khởi”, và “ai vâng giữ nhận phần thưởng thật lớn thay”.​—Thi thiên 19:8, 11.