Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Nếu mình không muốn sống nữa thì sao?

Nếu mình không muốn sống nữa thì sao?

 “Cách đây vài năm, nỗi lo âu của tôi nghiêm trọng đến mức tôi cảm giác như trong tôi có một đám cháy và tôi luôn phải cố gắng dập tắt nó mỗi ngày. Trong khoảng thời gian đó, tôi cứ nghĩ về việc tự tử. Tôi không thực sự muốn chết, tôi chỉ muốn những nỗi đau khổ này chấm dứt”.—Jonathan, 17 tuổi.

 Trong một cuộc khảo sát khoảng 14.000 học sinh trung học, gần 1/5 trong số đó thừa nhận rằng họ từng có ý định tự tử trong vòng 12 tháng qua. a Nếu bạn cảm thấy rằng mình không muốn sống nữa, bạn có thể làm gì?

  •   Đừng vội. Hãy tự hứa với chính mình rằng bạn sẽ không hành động hấp tấp theo cảm tính. Dù các vấn đề của bạn có vẻ choáng ngợp, nhưng vẫn có những cách giúp bạn đối phó với chúng.

 Có lẽ bạn cảm thấy như thể mình đang bị mắc kẹt trong một mê cung. Nhưng thực tế thì không đến mức như bạn nghĩ. Có những cách để bạn đối phó với hoàn cảnh của mình, và với sự giúp đỡ một cách đúng đắn thì có thể bạn sẽ tìm ra được lối thoát nhanh chóng hơn.

  •  Nguyên tắc Kinh Thánh: “Chúng tôi bị ép đủ cách nhưng không bị dồn vào đường cùng, chúng tôi bị bối rối nhưng chẳng phải không có lối thoát”.—2 Cô-rinh-tô 4:8.

     Đề nghị: Nếu ý nghĩ về việc tự tử vẫn mạnh mẽ hoặc kéo dài, hãy tìm đến những nguồn trợ giúp sẵn có, chẳng hạn như đường dây nóng phòng ngừa tự tử hoặc phòng cấp cứu của bệnh viện. Những cơ quan này có các nhân viên được huấn luyện để cung cấp sự trợ giúp, và họ thật sự muốn giúp bạn.

  •   Nói cho ai đó biết. Có những người quan tâm đến bạn và muốn giúp đỡ. Họ có thể là bạn bè hoặc người thân trong gia đình và họ sẽ không biết bạn đang trải qua những điều gì trừ khi bạn nói ra.

 Một số người cần có mắt kính để nhìn rõ mọi thứ. Vai trò của người bạn cũng giống như chiếc kính ấy, giúp bạn có thể nhìn rõ vấn đề của mình và có lại động lực để sống tiếp.

  •  Nguyên tắc Kinh Thánh: “Người bạn chân thật… sinh ra cho lúc khốn khổ”.—Châm ngôn 17:17.

     Đề nghị: Để bắt đầu cuộc nói chuyện, bạn có thể nói: “Dạo gần đây mình có những suy nghĩ vô cùng tiêu cực. Mình nói cho bạn nghe về chuyện đó được không?”. Hoặc bạn có thể nói: “Có vài vấn đề mà có lẽ mình không thể tự giải quyết được. Bạn có thể giúp mình được không?”.

  •   Đi khám bác sĩ. Các vấn đề về sức khỏe như lo âu hay trầm cảm có thể khiến người ta không muốn sống nữa. Nhưng tin vui là những bệnh lý này có thể chữa trị được.

 Giống như bệnh cảm cúm có thể khiến bạn không muốn ăn, bệnh trầm cảm có thể khiến bạn không muốn sống nữa. Dù vậy, cả hai loại bệnh này đều có thể chữa trị được.

  •  Nguyên tắc Kinh Thánh: “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần”.—Ma-thi-ơ 9:12.

     Đề nghị: Hãy ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn cũng như duy trì chế độ ăn đủ dinh dưỡng. Sức khỏe thể chất có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn.

  •   Cầu nguyện. Kinh Thánh nói rằng Đấng Tạo Hóa “lớn hơn lòng chúng ta và biết tất cả” (1 Giăng 3:20). Vậy, hãy nói với ngài qua lời cầu nguyện ngay hôm nay. Hãy dùng danh ngài là Đức Giê-hô-va và dốc đổ lòng mình với ngài.

 Một số vấn đề quá lớn đến mức chúng ta không thể tự gánh vác. Nhưng Đấng Tạo Hóa là Đức Giê-hô-va sẵn lòng giúp đỡ bạn.

  •  Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy… trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em”.—Phi-líp 4:6, 7.

     Đề nghị: Ngoài việc nói cho Đức Giê-hô-va biết về vấn đề của mình, hãy cố gắng nghĩ đến ít nhất một điều tốt mà bạn có thể cảm tạ ngài trong ngày hôm nay (Cô-lô-se 3:15). Lòng biết ơn có thể giúp bạn tập có cái nhìn tích cực hơn về đời sống.

 Nếu bạn nghĩ đời mình không đáng sống nữa thì hãy tìm sự trợ giúp. Đó là điều mà Jonathan, bạn trẻ được nói đến ở đầu bài, đã làm. Bạn ấy nói: “Mình cần nói chuyện với cha mẹ nhiều lần và nhận sự giúp đỡ về y tế. Nhưng giờ đây mình đã khá hơn nhiều. Dù cảm xúc của mình vẫn có lúc lên lúc xuống nhưng mình không còn phải đấu tranh với cảm giác muốn tự tử nữa”.

a Khảo sát được thực hiện vào năm 2019 bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.