Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Làm sao để hòa hợp với thầy cô?

Làm sao để hòa hợp với thầy cô?

 Thầy cô “trù dập”

 Trước sau gì thì học sinh nào cũng có lúc gặp phải một thầy cô có vẻ đối xử không công bằng, quá khó tính hay quá dữ dằn.

  •   Luis, 21 tuổi, nhớ lại: “Mình từng có một cô giáo thường xuyên dùng những lời lẽ thô tục và đối xử thiếu tôn trọng với học sinh. Có lẽ vì sắp sửa nghỉ hưu nên cô ấy cũng không sợ bị đuổi việc”.

  •   Melanie, 25 tuổi, nhớ lại việc chỉ mình bạn ấy bị cô giáo đối xử bất công. “Cô viện lý do là vì mình theo một đạo không phải đạo chính thống. Cô nói mình nên tập làm quen với chuyện như vậy đi”.

 Nếu có một giáo viên khó tính, bạn không cần phải cam chịu một năm học đầy khổ sở. Hãy thử những gợi ý sau đây.

 “Bí kíp sống sót”

  •   Hãy thích ứng. Mỗi thầy cô có đòi hỏi khác nhau nơi học sinh của mình. Vì vậy, hãy cố gắng hiểu họ mong muốn gì nơi bạn và hết sức làm theo.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Người khôn ngoan lắng nghe và thu thêm kiến thức”.—Châm ngôn 1:5.

     “Mình nhận ra là mình cần thích ứng với cách dạy của cô giáo, vậy nên mình cố gắng hết sức để làm bài tập đúng theo ý cô. Điều này giúp mình cải thiện mối quan hệ với cô”.—Christopher.

  •   Hãy tôn trọng. Hãy cố gắng nói chuyện với thầy cô một cách lễ phép. Đừng bao giờ cãi lại dù bạn có nghĩ là họ sai. Hãy nhớ rằng thầy cô xem bạn là học sinh chứ không phải người ngang hàng với họ.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Lời nói anh em phải luôn hòa nhã, được nêm thêm muối, hầu anh em biết nên đối đáp mỗi người thế nào”.—Cô-lô-se 4:6.

     “Không phải lúc nào thầy cô cũng được học sinh tôn trọng một cách thích đáng, vì vậy nếu bạn nỗ lực tôn trọng thầy cô thì có thể họ sẽ đối xử với bạn tốt hơn nhiều”.—Ciara.

  •   Hãy thông cảm. Thầy cô cũng là con người. Họ cũng có áp lực và lo lắng như bao người khác nên đừng vội kết luận rằng “Cô mình dữ lắm” hay “Thầy mình ghét mình”.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hết thảy chúng ta đều mắc lỗi”.—Gia-cơ 3:2, chú thích.

     “Giáo viên là một nghề vất vả. Mình không tưởng tượng được việc giữ trật tự và dạy dỗ cả lớp khó đến mức nào. Mình luôn cố gắng vâng lời để cô đỡ cực hơn và không cần phải lo về mình”.—Alexis.

  •   Nói chuyện với cha mẹ. Cha mẹ là người hỗ trợ tốt nhất cho bạn. Họ muốn bạn học tốt nên lời khuyên của họ có thể giúp bạn biết cách cư xử với một giáo viên khó tính.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Đâu không có bàn bạc, đó kế hoạch thất bại”.—Châm ngôn 15:22.

     “So với người trẻ, cha mẹ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc giải quyết các khó khăn. Vì vậy, hãy lắng nghe lời khuyên của họ, bạn có thể được thành công”.—Olivia.

 Cách nói chuyện với thầy cô

 Trong một vài trường hợp, có lẽ bạn cần nói cho thầy cô biết về vấn đề bạn đang có với họ. Nếu bạn sợ phải đối đầu với thầy cô thì đừng lo lắng—đây không phải là một cuộc đấu khẩu. Đây chỉ là một cuộc nói chuyện, có thể sẽ dễ dàng và mang lại kết quả tốt một cách bất ngờ.

 Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy theo đuổi những điều đem lại sự hòa thuận”.—Rô-ma 14:19.

 “Nếu dường như thầy cô chỉ cộc cằn với riêng mình bạn thì hãy hỏi xem bạn đã làm gì khiến họ không hài lòng. Câu trả lời của thầy cô sẽ giúp bạn biết mình cần cải thiện điểm nào”.—Juliana.

 “Có lẽ tốt nhất là bạn nên nói chuyện riêng với thầy cô trước hoặc sau buổi học và ôn hòa giải thích cho họ biết bạn cảm thấy thế nào về vấn đề. Hy vọng qua cách bạn trình bày thì thầy cô sẽ lắng nghe và tôn trọng ý kiến của bạn”.—Benjamin.

 CHUYỆN CÓ THẬT

 “Mình bị điểm kém mà cô giáo thì chẳng giúp gì cho mình. Mình muốn bỏ học luôn vì cô ấy khiến cho đời mình thật khốn khổ.

 “Mình đến gặp một thầy giáo khác để xin lời khuyên. Thầy nói: ‘Em chưa hiểu rõ cô và cô cũng chưa hiểu rõ em. Em nên nói với cô về chuyện điểm kém, biết đâu cuộc nói chuyện đó còn giúp ích được cho các bạn khác giống em mà cũng sợ lên tiếng’.

 “Mình không muốn làm vậy chút nào. Nhưng mình suy nghĩ kỹ về điều thầy nói và thấy thầy nói đúng. Nếu muốn mọi việc thay đổi thì mình cần chủ động.

 “Hôm sau, mình đến gặp cô rồi lễ phép cho cô biết mình rất thích các tiết học của cô và muốn học tốt hơn. Mình nói là mình đã cố gắng hết sức nhưng không biết học cách nào cho hiệu quả. Cô cho mình một số gợi ý và thậm chí còn đề nghị giúp mình sau giờ học hoặc qua email.

 “Mình rất ngạc nhiên! Nhờ cuộc nói chuyện đó mà mối quan hệ của mình với cô được cải thiện và việc học ở trường của mình cũng dễ dàng hơn nhiều”.—Maria.

 Mẹo: Nếu bạn gặp vấn đề với thầy cô, hãy xem đó là sự huấn luyện tốt cho tuổi trưởng thành. Katie, 22 tuổi, nói: “Ngay cả sau khi ra trường, rất có thể bạn sẽ gặp những người có chức quyền mà không phải lúc nào cũng tử tế. Nếu biết cách cư xử với một giáo viên khó tính thì có thể bạn sẽ biết cách cư xử khéo léo hơn với những người khó tính mình gặp sau này”.