Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Cư xử lịch sự có thật sự quan trọng không?

Cư xử lịch sự có thật sự quan trọng không?

“Người ta không mở cửa cho mình, sao mình phải mở cho họ?”.

“Chẳng phải còn nhiều chuyện quan trọng cần lo hơn là nói ‘làm ơn’, ‘cám ơn’ và ‘xin lỗi’ sao?”.

“Không cần lịch sự với anh chị em ruột. Người một nhà cả mà”.

Bạn có nói những câu này hoặc điều tương tự như thế không? Nếu vậy, có lẽ bạn đang bỏ lỡ cơ hội nhận được lợi ích từ việc cư xử lịch sự!

 Bạn nên biết gì về việc cư xử lịch sự?

 Cư xử lịch sự có thể giúp bạn cải thiện ba khía cạnh trong đời sống:

  1.   Danh tiếng của bạn. Cách bạn cư xử để lại ấn tượng tốt hoặc xấu nơi người khác. Nếu bạn cư xử lịch sự, thường thì người khác sẽ xem bạn là người trưởng thành và có trách nhiệm, đồng thời cư xử với bạn như vậy! Tuy nhiên, nếu bạn cư xử thô lỗ, người khác sẽ cho rằng bạn chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân, kết quả là bạn có thể đánh mất cơ hội nhận một việc làm hoặc các cơ hội khác. Kinh Thánh nói: “Còn kẻ hung-bạo xui khổ-cực cho thịt mình”.​—Châm-ngôn 11:17.

  2.   Bạn bè. Kinh Thánh nói: “Hãy mặc lấy tình yêu thương, vì đó là mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn” (Cô-lô-se 3:14). Điều này rất đúng trong lĩnh vực tình bạn. Người ta được thu hút đến với người cư xử lịch sự và tử tế. Suy cho cùng, ai lại muốn làm bạn với người thô lỗ hoặc khó ưa?

  3.   Cách người khác đối xử với bạn. Một chị tên là Jennifer nói: “Nếu bạn luôn cư xử lịch sự thì dần dần ngay cả những người thô lỗ nhất cũng có thể cư xử với bạn tốt hơn”. Dĩ nhiên, nếu bạn thô lỗ, kết quả có thể ngược lại. Kinh Thánh nói: “Anh em đối xử với người ta thế nào thì họ cũng sẽ đối xử với anh em thế ấy”.​—Ma-thi-ơ 7:2.

 Kết luận: Giao tiếp là một phần của cuộc sống thường ngày. Cách bạn giao tiếp có thể ảnh hưởng đến quan điểm và cách người khác đối xử với bạn. Nói đơn giản, cách bạn cư xử thật sự quan trọng!

 Làm sao để cải thiện?

  1.   Tự đánh giá bản thân. Hãy tự hỏi một số câu như: “Mình có xưng hô lễ độ không? Mình có thường nói ‘làm ơn’, ‘cám ơn’ hoặc ‘xin lỗi’ không? Mình có lơ đãng trong khi nói chuyện với người khác, có lẽ đọc hoặc trả lời tin nhắn không? Mình có đối xử tôn trọng với cha mẹ và anh chị em không, hay mình nghĩ là không cần vì ‘họ đều là người một nhà’?”.

     Kinh Thánh nói: “Chủ động bày tỏ lòng tôn trọng lẫn nhau”.​—Rô-ma 12:10.

  2.   Đặt mục tiêu. Hãy viết ra ba khía cạnh mà bạn có thể cải thiện. Chẳng hạn, một bạn gái 15 tuổi, tên là Allison nói rằng bạn ấy cần “trở thành người nghe giỏi hơn là nói giỏi”. David, 19 tuổi, nói là bạn ấy cần tập để không nhắn tin khi ở bên gia đình hoặc bạn bè. Bạn ấy cho biết: “Làm thế là thiếu tôn trọng. Như thể mình đang nói với họ rằng mình thích nói chuyện với người khác hơn”. Edward, 17 tuổi, nói là bạn ấy cần bỏ thói quen ngắt lời người khác. Jennifer, người được đề cập ở trên, quyết tâm cải thiện cách cư xử với người lớn tuổi. Chị cho biết: “Trước kia khi gặp người lớn tuổi, mình chỉ nói ‘xin chào’, rồi tìm cớ để sang chỗ bạn bè. Nhưng giờ mình nỗ lực dành thời gian nói chuyện với những người lớn tuổi để hiểu thêm về họ. Điều đó đã giúp mình cải thiện được rất nhiều trong cách cư xử!

     Kinh Thánh nói: “Đừng chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, mà cũng quan tâm đến lợi ích của người khác nữa”.​—Phi-líp 2:4.

  3.   Theo dõi sự tiến bộ của mình. Trong một tháng, hãy để ý đến lời nói và hành động của bạn trong những khía cạnh mà bạn muốn cải thiện. Vào cuối tháng, hãy tự hỏi: “Việc cư xử lịch sự đã giúp mình trở thành người tốt hơn như thế nào? Mình cần tiếp tục cải thiện khía cạnh nào?”. Trên cơ sở đó, hãy đặt thêm các mục tiêu mới.

     Kinh Thánh nói: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, hãy làm như vậy cho họ”.​—Lu-ca 6:31.