Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Làm sao để nói với cha mẹ về các quy tắc trong gia đình?

Làm sao để nói với cha mẹ về các quy tắc trong gia đình?

 “Quy tắc của cha mẹ thì hợp lý khi mình 15 tuổi, nhưng giờ đã 19 tuổi, mình thấy cần được tự do nhiều hơn”.​—Sylvia.

 Bạn có cùng cảm nghĩ như Sylvia không? Nếu có, bài này sẽ giúp bạn nói với cha mẹ về vấn đề này.

 Điều bạn nên biết

 Trước khi nói với cha mẹ về các quy tắc trong gia đình, hãy xem xét những điểm sau:

  •  Cuộc sống không có quy tắc thì sẽ hỗn loạn. Hãy hình dung một đoạn đường cao tốc có nhiều xe qua lại. Nếu không có biển báo giao thông, đèn hiệu hoặc quy định về tốc độ thì sẽ hỗn loạn phải không? Như luật giao thông, các quy tắc trong gia đình giúp duy trì trật tự.

  •  Việc đưa ra quy tắc chứng tỏ cha mẹ quan tâm đến bạn. Nếu không đặt ra quy tắc nào cả thì có nghĩa là cha mẹ không quan tâm chuyện gì xảy ra với bạn. Một bậc cha mẹ tốt thì không như thế.

 BẠN CÓ BIẾT? Chính cha mẹ cũng phải vâng theo một số quy tắc! Nếu thấy khó tin, bạn hãy đọc Sáng thế 2:24; Phục truyền luật lệ 6:6, 7; Ê-phê-sô 6:4 và 1 Ti-mô-thê 5:8.

 Tuy nhiên, nói sao nếu bạn vẫn thấy quy tắc của cha mẹ là không công bằng?

 Điều bạn có thể làm

 Suy nghĩ kỹ trước khi nói với cha mẹ. Bạn có “thành tích” gì trong việc vâng theo quy tắc của cha mẹ? Nếu không có “thành tích” tốt thì đây không phải là lúc để xin cha mẹ nới lỏng quy tắc. Thay vì thế, hãy đọc bài: “Làm sao để cha mẹ tin mình?”.

 Nếu có “thành tích” tốt, hãy suy nghĩ điều mình muốn nói với cha mẹ. Sắp xếp trước các ý tưởng có thể giúp bạn thấy việc mình xin có hợp lý không. Kế tiếp, hãy hỏi cha mẹ xem lúc nào và nơi nào là thích hợp và thoải mái để cùng nói chuyện. Rồi khi bạn gặp cha mẹ, hãy áp dụng những đề nghị sau:

 Tôn trọng. Kinh Thánh nói: “Lời gay gắt khơi dậy cơn giận dữ” (Châm ngôn 15:1). Vì thế, hãy thận trọng: Nếu bạn tranh cãi hoặc cho rằng cha mẹ bất công, cuộc nói chuyện sẽ không đi đến đâu.

 “Mình càng tôn trọng cha mẹ thì cha mẹ càng tôn trọng mình. Khi hai bên tôn trọng nhau thì dễ thỏa thuận hơn nhiều”.​—Bianca, 19 tuổi.

 Lắng nghe. Kinh Thánh nói chúng ta “phải mau nghe, chậm nói” (Gia-cơ 1:19). Hãy nhớ rằng bạn đang thảo luận, chứ không phải thuyết giảng cho cha mẹ.

 “Khi lớn lên, chúng ta có thể nghĩ mình biết nhiều hơn cha mẹ, nhưng điều đó không đúng. Chúng ta nên lắng nghe lời khuyên của cha mẹ”.​—Devan, 20 tuổi.

 Thông cảm. Hãy cố gắng xem xét vấn đề theo góc nhìn của cha mẹ. Kinh Thánh khuyên: “Hãy quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình” (Phi-líp 2:4). Bạn có thể áp dụng lời khuyên này bằng cách nghĩ đến lợi ích hay mối quan tâm của cha mẹ.

Bạn nghĩ cách nói chuyện nào sẽ giúp bạn thành công?

 “Trước đây, mình xem cha mẹ là đối thủ, chứ không phải đồng đội. Nhưng giờ mình hiểu rằng cha mẹ đang học cách làm tốt vai trò của họ, cũng giống như mình đang học cách trở thành người có trách nhiệm. Mọi việc họ làm đều là vì yêu thương và quan tâm đến mình”.​—Joshua, 21 tuổi.

 Đưa ra giải pháp. Giả sử bạn muốn đến một cuộc họp mặt cách nhà một tiếng lái xe, và cha mẹ không cho bạn đi. Hãy hỏi xem vấn đề chính khiến họ lo lắng là gì: đường xa hay cuộc họp mặt?

  •   Nếu vấn đề là đường xa, cha mẹ có cho phép bạn đi đến đó cùng một người lái xe giỏi không?

  •   Nếu vấn đề là cuộc họp mặt, bạn có thể cho biết thông tin để cha mẹ yên tâm, chẳng hạn như ai tham dự và ai giám sát không?

 Hãy trình bày một cách tôn trọng và kiên nhẫn lắng nghe khi cha mẹ nói. Hãy cho thấy là bạn “hiếu kính cha mẹ” cả trong lời nói lẫn thái độ (Ê-phê-sô 6:2, 3). Có thể cha mẹ sẽ đổi ý hoặc có thể không. Dù sao đi nữa, hãy làm theo lời khuyên dưới đây.

 Chấp nhận quyết định của cha mẹ với lòng tôn trọng. Điều này rất quan trọng, nhưng thường bị bỏ qua. Nếu bạn không được như ý và bắt đầu tranh cãi với cha mẹ thì lần tới sẽ càng khó cho bạn xin cha mẹ hơn. Ngược lại, nếu bạn sẵn lòng vâng lời, có lẽ cha mẹ sẽ dễ nới lỏng một số quy tắc hơn cho bạn.